Dần dần ông Cẩn tỏ ra văn minh hơn, vả lại giấy bạc quá nhiều nên hầm tuy
rộng mà vẫn chứa không đủ, nên ông Cẩn bèn mua vàng, hột xoàn, kim
cương, đô la để lưu trữ và bắt đầu có ý niệm chuyển tiền ra nước ngoài để
phòng xa. Theo hồi ký của tướng Trần Văn Đôn cho biết, ông Cẩn đã gởi
được ra ngoại quốc 7 triệu đô la vào năm 1961. Vào tháng 10 năm 1963,
hình như ông Cẩn đã cảm thấy được tình hình có thể nguy ngập cho chế độ
và cho gia đình nên ông Cẩn cho chuyển vào nhà thờ dòng Chúa Cứu thế
Huế 14 thùng vàng (thùng đạn quân đội), riêng ông Cẩn thì chỉ giữ lại một
hộp hột xoàn, kim cương bên mình. Trưa ngày 1-11-1963, khi tiếng súng
Cách mạng bắt đầu nổ tại Sài Gòn, tướng Đỗ Cao Trí, lúc bấy giờ là Tư lệnh
Quân Đoàn I và là thuộc hạ thân tín của Tổng thống Diệm, bèn ra lệnh cho
Đại tá Nguyễn Văn Mô (tiểu khu trưởng Thừa Thiên) và Thiếu tướng Hiển
(Chánh văn phòng của Trí) đem một Trung đội đến bố trí quanh dinh thự
của Cẩn, súng chĩa ra ngoài “để bảo vệ an ninh cho ông Cố vấn”. Nhưng
sáng mồng hai, khi nghe tin ông Diệm đã đầu hàng và đã xin hội đồng
tướng lãnh để xuất ngoại, trung đội bảo vệ an ninh cho ông Cẩn lại được
lệnh quay súng vào dinh thự của ông Cẩn. Sau vụ lật đổ chế độ Diệm, tôi vì
quá bộn bề công việc chỉ nghe kể lại rằng hộp hột xoàn, kim cương của ông
Cẩn được đổ đầy một mũ sắt nhà binh, và tất cả đồ lề quý giá trong dinh của
ông Cẩn đều về tay tướng Trí. Tướng Đỗ Cao Trí cũng lấy lại được 7 thùng
vàng trong số 14 thùng sau mấy ngày thương lượng gay go với các bề trên
Dòng Chúa Cứu Thế.
Trong hệ thống tham nhũng bóc lột của ông Ngô Đình Cẩn và bộ hạ, ngoài
việc các Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Trưởng ty Công an áp bức để tịch thu và
mua rẻ những hiện vật quý giá, xưa cổ của lương dân do tiền nhân của họ để
lại, thì có lẽ việc bắt bớ, giam cầm tra khảo những nhà giàu tại Huế và Đà
Nẵng là những hành động tàn ác, vô nhân đạo nhất.
Tại Huế, ông Cẩn đã cho bắt một số nhà giàu rồi gán cho họ tội làm “gián
điệp cho Pháp” để ông Cẩn làm tiền. Trong số những nhà giàu đó hiện tại ở
Mỹ, có cụ Võ Văn Quế hiện ở Glendale, và cụ Bửu Bang ở Los Angeles đã
từng là nạn nhân đớn đau của ông Cẩn. Mỗi nạn nhân thường bị giam cầm,
tra tấn đến gần 3 năm trời, phải chịu mất hết tài sản rồi mới được trả tự do.