Ông Nguyễn Văn Yến, chủ nhà hàng Morin, một nhà hàng và khách sạn lớn
nhất cố đô Huế mà ông đã mua lại của người Pháp, bị bắt và tra tấn gần chết
cho đến khi ông Yến dâng hết tài sản và bà vợ phải ngày đêm đến van vái
lạy lục ông Cẩn, ông Yến mới được trả tự do. Nhưng chỉ mấy tháng sau khi
được về nhà, không chịu nổi những biến chứng của vết thương trong khi bị
tra khảo, ông Yến bị thổ huyết mà chết dù lúc bấy giờ ông ta vẫn chưa đến
40 tuổi. Ông Nguyễn Đắc Phương, một nhà thầu giàu có nhất nhì miền
Trung, cũng bị bắt bớ và tra khảo đến chết, vì vợ chồng ông nổi tiếng cứng
đầu, không chịu dâng tài sản cho ông Cẩn. Khi ông chết rồi, công an không
những đã làm khó dễ việc tống táng theo nghi thức Phật giáo mà còn lập
biên bản bảo rằng ông Nguyễn Đắc Phương nhảy lầu tử tự (!!). Sau ngày
chế độ Diệm bị lật đổ, bà Phương đưa nội vụ ra tòa án Sài Gòn để mong
công lý cách mạng cởi mở mối oan khiên cho chồng và để tố cáo tội ác anh
em nhà Ngô. Tòa đã xử bà thắng kiện, nhưng dù thắng kiện thì những kẻ
thua kiện như Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông,... đã đền tội với quốc dân
đồng bào rồi nên bà Phương chỉ còn biết đứng ở cổng Tòa và trước sự hiện
diện của đông đảo báo chí, khóc lóc và nguyền rủa nhà Ngô để mong thỏa
được vong linh người chồng đã chết đau thương vì nền tham nhũng của chế
độ “nhân vị Ngô triều”.
Không riêng tại Huế mà tại Đà Nẵng, hai anh em Trương Công Huynh Đệ
sau khi mất hết tài sản mới được thả ra về, nhưng dù được thả về thì miệng
của ông Trương Công Cương cũng đã bị mất cả hai hàm răng, môi dưới trề
hẳn xuống và má thì bị kéo lệch qua một bên, làm cho một con mắt cũng bị
lệch xuống trông rất tội nghiệp. Ông Trương Công Cương có hai người con
trai hiện đang ở tại hải ngoại là anh Trương Công Ẩn, cựu sĩ quan quân đội,
hiện đang ở tại Houston, Hoa Kỳ, và anh Trương Công Trứ, đi du học ở
Đức từ trước 1975. Còn nhiều nạn nhân khác nữa về “vụ án gián điệp miền
Trung” mà tôi không kể ra đây.
Vụ án mà các nạn nhân là cụ Quế, cụ Bửu Bang, ông Nguyễn Văn Yến, ông
Nguyễn Đắc Phương, anh em Trương Công Huynh Đệ, được gọi là “Vụ án
gián điệp miền Trung” mà bây giờ mỗi lần nhắc lại là người dân ở hai tỉnh
Thừa Thiên và Quảng Nam đều không khỏi nghiến răng cau mày.