Vụ án “gián điệp miền Trung” tưởng đã theo thời gian chôn vùi vào quên
lãng, không ngờ vào năm 1963, khi Tổng Giám mục Ngô Đình Thục hoán
chuyển ra Huế, vụ án lại được soi sáng trở lại. Tiếc rằng nó được khơi dậy
quá trễ nên chỉ như một âm vang để rồi đến sau ngày cách mạng 1-11-1963
mới được bà Phương và báo chí viết vào lịch sử. Đầu năm 1963, những nạn
nhân của vụ án, nhân dịp anh em Ngô Đình Cẩn và Ngô Đình Thục đang
mâu thuẫn nhau vì tranh lợi nên họ lợi dụng thế yếu của ông Cẩn trước uy
quyền của ông Thục, và lợi dụng ông Thục cũng là tay tham lam vô độ, bèn
khơi lại nỗi oan ức từng làm tan nát gia đình họ và nhờ một linh mục tên Kỷ
(vốn là cộng sự viên thân tín của ông Thục) vận động với ông Thục để nhờ
giải oan. Ông Ngô Đình Thục tức tốc ra lệnh cho Đại úy Trần Thích, chánh
sở An ninh Quân đội tại Huế thụ lý nội vụ. Vì là vấn đề tế nhị, Thích bèn
bay vào Sài Gòn để xin chỉ thị của tôi.
Sau khi nghe Thích trình bày toàn bộ chi tiết của nội vụ, tôi bèn vào gặp
ông Diệm với hy vọng lần này có thể dùng một viên đạn bắn ba con chim:
vừa lật mặt nạ ông Ngô Đình Cẩn, vừa công khai hóa mâu thuẫn giữa ông
Thục và ông Cẩn, và quan trọng nhất là để chứng minh cho ông Diệm thêm
một lần nữa về những tệ đoan do anh em của ông gây ra cho dân chúng. Tôi
vào dinh Gia Long trình với ông Diệm việc Đức Cha ra lệnh điều tra vụ án
“gián điệp miền Trung” mà không đề cập đến tên của ông Ngô Đình Cẩn.
Ông Diệm vừa nghe có lệnh của Đức Cha vội nói: “Phải làm cho ra lẽ”.
Tiếc thay cái ý định của tôi muốn gây cho phe Thục và phe Cẩn tranh chấp
mâu thuẫn nhau chưa đi đến đâu thì độ mười ngày sau ông Diệm bảo tôi:
“Thôi việc đã cũ rồi, hãy xếp đi” mà không có một lời giải thích. Tôi đoán
ông Ngô Đình Cẩn đã năn nỉ và ông Diệm đã chịu xếp bỏ vụ án, nên chỉ còn
biết tuân lệnh ông Diệm đánh điện ra Huế cho Thích. Công lý dưới thời nhà
Ngô không thể vượt qua được những tranh chấp quyền lợi của anh em nhà
Ngô. (Tiếc thay trong cuốn “Làm thế nào để giết một Tổng thống” nhà trí
thức Thiên Chúa giáo Cao Thế Dung đã viết ngược lại tất cả sự thật đã xảy
ra lại còn có ác ý hạ nhục bà Nguyễn Đắc Phương).
Sau vụ án “Gián điệp miền Trung”. vào năm 1958, tập đoàn Ngô Đình Cẩn
lại bày ra vụ án “Cộng sản nằm vùng”. Ông Cẩn và bộ hạ cũng cho bắt một