trường Đà Nẵng của Tôn Thất Cẩn”. Tôi rất bỡ ngỡ và hơi bực mình vì thái
độ sỗ sàng của ông Quát nhưng vẫn bình tĩnh trả lời: “Tôi sẵn sàng, nhưng
xin ông Dân biểu nói với Cậu gửi cho tôi một tấm thiệp thì tôi sẽ giúp Cậu
ngay”. Thật ra, tôi cũng nói cho có chuyện chứ biết trước rằng ông Ngô
Đình Cẩn dại gì viết giấy để bút tích lại cho tôi.
Không ngờ một hôm, đúng hai giờ rưỡi chiều, tôi đang làm việc trong văn
phòng ở Nha thì chuông điện thoại đỏ (thứ điện thoại đặc biệt chỉ nối liền
giữa những nhân vật quan trọng với Tổng thống) reo vang. Tôi không biết
có gì quan trọng mà Tổng thống gọi điện đỏ vào giờ này. Vừa nhắc điện
thoại lên thì đầu kia tiếng ông Diệm quát tháo: “Anh ăn tiền của thằng Cộng
Sản Tôn Thất Cẩn phải không?” Tôi bỡ ngỡ không biết thằng cộng sản nào
là Tôn Thất Cẩn và vì sao mà ông Diệm lại khiển trách mình ăn tiền, bèn
thưa lại: “Bẩm cụ, Tôn Thất Cẩn nào ạ?”. Ông Diệm nói liền” “Thằng Tôn
Thất Cẩn đang đấu thầu sân bay Đà Nẵng do Mỹ viện trợ”. Tôi bèn định
phân trần thì ông Diệm lại bảo: “Anh qua đây ngay”, rồi cúp máy. Lúc bấy
giờ tôi mới nhớ lại vụ Dân biểu Lê Trọng Quát can thiệp cách đây gần vài
tuần, bèn gọi nhân viên đưa hồ sơ nhà thầu Tôn Thất Cẩn lên nghiên cứu
trước khi vào yết kiến Tổng thống. Thì ra không phải ông Tôn Thất Cẩn chủ
tiệm ăn “Tables des Mandarins”, trước ở Paris, từng là ân nhân của ông Ngô
Đình Diệm, mà bây giờ đang sống cuộc đời bất đắc dĩ chí vì sự vong ân bội
nghĩa của nhà Ngô, mà lại là một Tôn Thất Cẩn khác ở đường Huỳnh Thúc
Kháng, Sài Gòn.
Tôi vào Dinh thấy mặt ông Diệm còn hầm hầm. Từ ngày gặp ông lần đầu
vào năm 1942 đến nay đã mấy chục năm rồi, đây là lần đầu tiên ông tỏ thái
độ giận dữ đối với tôi như vậy. Thường thì mỗi khi vào văn phòng, ông chỉ
ghế cho tôi ngồi ngay, nhưng hôm nay ông làm thinh nên tôi phải đứng để
trình bày công việc. Tôi vừa giơ tay chào xong thì ông Diệm lập lại câu nói
trong điện thoại: “Tại sao anh lại cho tên Việt Cộng Tôn Thất Cẩn đấu thầu
sân bay Đà Nẵng, anh ăn tiền của nó có phải không?”. Tôi bèn lật hồ sơ ra
chỉ từng tài liệu cho ông xem ngay lý lịch của ông Tôn Thất Cẩn. Hồ sơ lý
lịch ghi rằng ông Tôn Thất Cẩn in truyền đơn cho đảng Đại Việt ở Huế năm
1954-1955 mà giá trị chỉ là B-2. Tôi bèn nói: “Thưa Cụ, Tôn Thất Cẩn