năm 1949. Dạo đó, mỗi khi Tết đến xuân về, văn võ bá quan nơi cố đô từ vị
Thủ Hiến trở xuống đều được Đức Từ cho mời vào Cấm Thành để Bà thiết
đãi một bữa cơm thân mật đầu Xuân, gọi là chút ơn mưa móc của bà mẹ
Quốc trưởng ban cho những người đang phục vụ dưới chế độ của con bà.
Nhưng tôi vẫn cho hành động của bà Từ Cung là thông lệ xã giao hình thức.
Còn nay khác hẳn, nay tôi chỉ là một người lính già về hưu, tên tuổi đã theo
thời gian mà lu mờ trước một xã hội đang sôi động vì cảnh thế nhân tranh
giành danh lợi. Thế mà với tư cách đó, tôi lại được Nguyễn Phước tộc mời
tham dự lễ cúng đấng Tiên vương khai sinh triều đại nhà Nguyễn thống nhất
sơn hà, thì ắt hẳn phải xuất phát từ một thái độ chân tình hơn là xã giao.
Nghĩ thế nên tôi quyết định đi dự lễ kỵ húy nhật vua Gia Long.
Trụ sở Nguyễn Phước tộc là một biệt thự vô cùng lộng lẫy, nhà ngang lầu
dọc, vườn rộng sân to, có cây cổ thụ, có hoa bốn mùa, có ao sen hồ cá, trong
nhà chưng bày toàn đồ xưa của quý. Tôi thấy ngoài rất đông bà con Hoàng
tộc còn có nhiều vị quan lại cũ và nhiều nhân vật tên tuổi. Cụ Bửu Du, Chủ
tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc dẫn tôi đến giới thiệu với Đức Từ đang
ngồi trên một chiếc cẩm đôn, chung quanh có các bà áo gấm khăn vàng một
thời đã là những mệnh phụ phu nhân chầu hầu. Đức Từ ngỏ lời cảm ơn tôi
về bài báo trên tờ Độc Lập mà tôi đã viết nhân cái chết của ông Hồ Chí
Minh để làm sáng tỏ công nghiệp của Cựu Hoàng Bảo Đại đã đứng lên
thương thuyết với Pháp, giành cho người Quốc gia cái thế đứng hợp pháp
và vùng đất dựa chân để chiến đấu chống Cộng Sản.
Sau buổi lễ theo nghi thức cổ truyền dân tộc, chúng tôi được mời ra sân dự
tiệc. Tôi ngồi cùng bàn với vài vị đại thần cũ, với ông Vĩnh Thọ, cựu đại sứ
Việt Nam tại Nhật, và với tướng Tôn Thất Đính... Thật là một kỷ niệm lạ
lùng khó quên trong đời tôi vì trong ngày lễ lớn này của dòng họ Nguyễn
Kim, Nguyễn Hoàng, dòng họ đã có công mở mang bờ cõi nước Việt Nam
đến tận Châu Đốc, Hà Tiên, hình như quan khách toàn là người Hoàng Phái,
toàn là Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, Tôn Thất mà chỉ có một mình tôi họ Đỗ
không thuộc Hoàng phái, lại là con một vị đồ nho sinh bất phùng thời của
vùng sông Linh núi Hoành đồng chua nước mặn.
Trước khi bữa tiệc bắt đầu, một nhân vật mà tôi chưa hề quen biết đến cầm