Mậu hè..." Sau câu nói đó ông thường nhếch mép nở một nụ cười kín dáo,
nhưng tôi đoán ông muốn nhắn gửi với Tổng thống Diệm nỗi ưu tư sâu đậm
của ông.
Ngày 8-12-62, ông Diệm thành lập Bộ Tư Lệnh Lục Quân, đem tướng Đôn
từ quân đoàn I về giữ chức Tư lệnh và giải tán Bộ Tư Lệnh Hành Quân, rồi
giao cho tướng Minh chức Cố Vấn Quân Sự phủ Tổng thống, một chức vụ
ngồi chơi xơi nước, đến nỗi tướng Minh không có một bàn giấy, một văn
phòng. Bây giờ thì đã quá rõ ràng, "người anh hùng Rừng Sát" xưa kia nay
đã bị thất sủng và đã công khai bị hạ nhục. Anh em ông Diệm đã thẳng tay
phụ bạc kẻ khai quốc công thần mà không biết mình đang chơi ván cờ gần
tàn cuộc. Đem Trần văn Đôn về Sài Gòn là mở đường cho Đôn tung hoành,
còn đặt Dương văn Minh ở một địa vị không trách nhiệm, không quyền
hành là tạo bất mãn cho Dương văn Minh. Rõ ràng anh em ông Diệm đã dại
dột tạo cơ hội cho đối phương đem tốt vào cung, đẩy mình vào thế bí. Thật
vậy, chỉ mười tháng sau, Minh và Đôn toàn thắng cuộc cờ.
Là người nghiêm trang, dè dặt thế mà không ngờ ngày mồng Một Tết Quý
Mão 1963, tướng Minh lại thốt ra câu nói "Ngoài kia quân đội đánh giặc thì
thua mà ở đây mình cứ diễn mãi cái tuồng tích chán ngấy..." Câu nói này
phản ánh sự bất mãn gần đây nhất của ông đối với trận Ấp Bắc mới xảy ra
khoảng một tháng. Chẳng những ông bất mãn trận Ấp Bắc là một thảm bại
nhục nhã cho quân đội, mà còn vì cấp chỉ huy chịu trách nhiệm là Huỳnh
văn Cao và Bùi Đình Đạm lại không bị trừng trị, trái lại còn được ông Diệm
và bà Nhu lớn tiếng bênh vực. Câu nói của ông còn phản ánh sự tức bực tích
luỹ từ tình trạng tại chiến trường và nông thôn khi số thương vong của binh
sĩ ngày một cao mà tại Sài Gòn, chế độ Diệm lại bày ra nhiều lễ lạc, không
đem lợi ích gì cho quốc gia. Đã thế họ lại buộc "văn võ bá quan" chầu hầu
để tỏ vẻ danh giá cho một gia đình phong kiến với nào là Bổn Mạng các ông
Diệm, Thục, Nhu, Cẩn, nào là lễ Khánh Thọ ông Diệm, lễ Khánh Thọ thân
mẫu ông Diệm, lễ cúng kỵ Cụ Ngô Đình Khả, lễ Song Thất, lễ Quốc Khánh,
Tết Tây, Tết Ta, lễ Hai Bà Trưng (một cơ hội mượn danh nghĩa hai vị liệt nữ
để bà Nhu tô điểm cho ngôi vị lãnh tụ và uy quyền tột đỉnh của bà ta). Lễ
lạc nhiều mà bốn lễ, Quốc Khánh, Tết Tây, Tết Ta, và lễ Hai Bà Trưng lại