quá gần nhau nên những kẻ tham dự cảm thấy nhàm chán. Lần nào cũng
vậy, cũng ngần đó "văn võ bá quan" mang áo mão cân đai vào dinh Tổng
thống để phải nhìn mãi sân khấu đó, diễn viên đó, tuồng tích đó, và nghe ca
đi ca lại những lời sáo ngữ đó. Đã chín năm rồi mà lần nào cũng như lần
nào: Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đại diện cho Hành pháp, Đại tướng
Lê văn Tỵ đại diện cho Quân Đội, chủ tịch Quốc Hội đại diện cho Lập pháp
đọc những chúc từ đã quá quen thuộc. Rồi đến Tổng thống lên bổng xuống
trầm với điệu "Nam ai Nam bằng" mà ông đã ca mãi từ năm ngoái năm xưa.
Năm nào cũng quanh đi quẩn lại một điệp khúc ngần đó danh từ "cộng đồng
đồng tiến", "cách mạng nhân vị", "thành tín", rồi cuối cùng là "xin Thượng
Đế ban phép lành" ... không có gì mới lạ hết. Sự nghèo nàn cả về nội dung
lẫn ngôn từ của các bài diễn văn chỉ nói lên tính chất giáo điều khô cằn mà
anh em ông Diệm thích thưởng ngoạn với rất nhiều đắc ý, và tính chính trị
hài hước của một sân khấu mà các diễn viên đã mất hết hào hứng sáng tạo
của một triều đình phong kiến.
Nếu cho rằng câu nói của tướng Minh tại dinh Gia Long như một tiếng
chuông báo trước cuộc cờ sẽ đổi thay thì những mâu thuẫn trầm trọng giữa
anh em ông Diệm xảy ra tại Phú Cam cũng vào ngày mồng Một Tết Quý
Mão đó như là một hiện tượng báo hiệu sự tan tác của gia đình ông Diệm
mười tháng sau này.
Nguyên khi mới cầm chính quyền, phần vì anh em ông Diệm còn bỡ ngỡ
trước một thể chế chính trị mới lạ so với sinh hoạt quan trường phong kiến
quen thuộc cũ, phần vì bị tứ bề thọ địch nên họ thương yêu đùm bọc nhau.
Nhưng dần dần vì chính kiến bất đồng, và nhất là vì tranh giành quyền lợi
nên họ đã chống đối và xâu xé nhau như kẻ thù.
Ngay từ cuối năm 1955, ông Ngô Đình Nhu đã tranh chấp quyền lực vì ông
Luyện bị ông Nhu lấn áp và giành mất ảnh hưởng đối với ông Diệm, mặc dù
ông Luyện có công lớn trong việc vận động với Pháp, với vua Bảo Đại để
ông Diệm được làm Thủ tướng. Ông Luyện thua vì là vai em và vì không
thủ doạn bằng ông Nhu. Không thể làm Cố vấn cạnh ông anh Tổng thống để
thi thố tài năng và phát triển quyền lực của mình, ông Luyện phải nhận lấy
chức Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc xa xôi với nỗi bất mãn trong tâm can,