kỵ cha và đón mừng Xuân mới nơi ngôi nhà của phụ thân để lại, như những
người dân Việt ngàn đời đi làm ăn xa xôi, Tết nhất vẫn lo về với gia đình để
thắp nén nhang nơi bàn thờ tiên tổ. Những sử gia hoài Ngô như Cao văn
Luận, Cao Thế Dung... viết sách suy tôn anh em nhà họ Ngô là đạo đức nho
phong, là thế gia vọng tộc thế mà cố tình dấu đi thái độ sống phản truyền
thống dân tộc, phản phong hoá muôn đời của cha ông. Rõ ràng anh em ông
Diệm đã quan niệm phải nên Vương Bá, phải phú quý vẹn toàn, thì Tết
nhất, cúng kỵ họ mới chịu cùng nhau sum họp để biến ngôi nhà vắng lặng
ngày xưa thành nơi đình đám rộn rịp tưng bừng. Cứ nhìn những tấm hình
ngày Tết được đăng tải trên các báo Âu-Mỹ có đủ mặt anh em, bác cháu,
dâu rể bận quốc phục chỉnh tề áo khăn lộng lẫy, quây quần chung quanh
"Thái Tử", kẻ đứng vòng tay người quỳ trên thảm đỏ cũng đủ thấy câu nói
"phú quý sinh lễ nghĩa" của thánh hiền muôn đời không sai. Mà lễ nghĩa gì
nếu không phải là thứ lễ nghĩa mà giá trị chỉ nằm trên phần hình thức của
những tấm áo nạm vàng và tấm thảm trải đỏ kênh kiệu.
Chín năm rồi, từ sau khi Cựu Hoàng Bảo Đại bị ông Ngô Đình Diệm truất
phế, thành quách đền đài, núi Ngự sông Hương đã lạt màu vương giả,
nhưng cảnh vàng son hoa gấm trong gia đình ông Diệm tại Phú Cam thì
đang gây lại cái không khí triều đình vua chúa nơi Cố Đô. Tiếc thay, Xuân
với Tết năm nay, bão tố cốt nhục đã thổi bay mất lớp bụi vương giả giả tạo
đó để chỉ còn lại những tầm thường trơ trẽn của một gia đình, một chế độ
đang đến hồi suy vi.
-o0o-
Sau Tết năm đó, ông Diệm trở lại Sài Gòn với rất nhiều tâm sự ngổn ngang.
Cũng tháng Ba năm đó, tôi nhận được lời mời của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ
thực hiện một chuyến viếng thăm các cơ sở an ninh và quốc phòng của họ.
Tôi còn nhớ năm 1960, phái bộ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã từng mời
tôi đi thăm trường tình báo lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ tại Đông Á và
Thái Bình Dương trên đảo Okinawa của Nhật Bản (nơi có sĩ quan của
Phòng Nhì và An Ninh Quân Đội Việt Nam thụ huấn), nhưng ông Diệm