nhiên, ông Nguyện trách tôi là người thiếu thủy chung với ông Diệm vì đã
tham gia cuộc cách mạng ngày 1–11–63.
Tuy nhiên, nếu ai cũng thông cảm trường hợp của ông Nguyện đã vì tình
cảm rất riêng tư mà tiếc thương một vị thầy, một lãnh tụ đã liên hệ và đã tác
động mạnh mẽ vào hơn 20 năm trời của cuộc đời ông, và nếu ai cũng đồng
ý với lối hành xử hợp tình hợp lý của ông bằng cách không hùa theo nhóm
Cần Lao Công Giáo ồn ào tại hải ngoại, thì ngược lại, trong lá thư đó (dù
chỉ là một lá thư tâm sự cá nhân), ông đã cho thấy một cái nhìn lịch sử thiếu
nghiên cứu, do đó thiếu vô tư, và một lập trường cần phải phê phán là lập
trường cần thiết thỏa hiệp với Cộng Sản. Tuy nhiên, cái nhìn lịch sử thiếu
vô tư đó và lập trường lạ lùng đó chỉ là những phản ứng quá độ của một
người đã dùng cái nhìn tình cảm cá nhân để xét một vấn đề lớn hơn là vấn
đề lịch sử và dân tộc mà thôi. Và điều đó, riêng đối với tôi, thì cũng dễ hiểu
cho trường hợp của ông Nguyện.
Điều đáng lưu ý qua những lời tâm sự của ông Diệm với người chiến hữu
thân tín, là bản chất phong kiến và độc tôn của ông Diệm qua quan niệm
nặng tình gia đình mà nhẹ nghĩa với quốc gia. Chín, mười năm trời anh em
ông Diệm cai trị đất nước đã phạm không biết bao nhiêu tội lỗi to lớn,
những tội lỗi đưa đất nước đến tình trạng suy sụp thế mà dù có lúc biết, ông
vẫn không chịu cản ngăn anh em chỉ vì sợ “gia nan thiên hạ dị” và sợ “bì oa
trữ nhục”. Thì ra chỉ vì ông sợ rằng nếu sửa sai, ngăn cản thì 4, 5 anh em
ông sẽ khích bác chống đối lẫn nhau làm thiên hạ dị nghị, mà không nghĩ gì
đến vận mệnh của đất nước và của mười lăm triệu đồng bào. Ông Diệm đã
biết nói đến hai câu “Gia nan thiên hạ dị” và “Bì oa trữ nhục” của tư tưởng
Khổng–Mạnh mà ông không nhắc đến câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ” vốn là tiêu chuẩn, khuôn vàng thước ngọc của Thánh Hiền cho
những ai muốn làm nhà lãnh đạo quốc gia. Ông Diệm nói rằng ông không
chấp nhận việc Mỹ áp lực đem quân vào miền Nam mà chính ông lại không