nhà hai ông Ngô Đình Cẩn và Trần Văn Lý.
Cuối năm 1953, khi ông Diệm còn ở Âu Châu nghĩa là còn dưới chế độ Bảo
Đại, ông Nguyện được cử giữ chức vụ Giám đốc Công an Trung Việt.
Nhưng trong giai đoạn ông Diệm gặp khó khăn vì sự chống đối của tướng
Hinh và Đại tá Trương Văn Xương, Tư lệnh Quân khu II (miền Trung) thì
ông Cẩn giao chức Giám đốc Công an lại cho ông Nguyễn Chữ, một đảng
viên cao cấp của Việt Quốc, và là một chiến sĩ cách mạng cứng rắn. Năm
1955, ông Nguyện được anh em ông Diệm cử giữ chức Tỉnh trưởng Bình
Định, tuy nhiên chỉ mới độ sáu tháng thì ông Nguyện mất chức vì ông Cẩn
cho ông Nguyện là người cứng đầu khó sai khiến, vả lại chính ông Cẩn từ
lâu cũng muốn thay thế Nguyện bằng một Tỉnh trưởng Công giáo. Ông
Nguyện về Huế nhưng ông Ngô Đình Cẩn không chịu tiếp, Nguyện bèn cứ
xô cửa nhà ông Cẩn mà vào, lớn tiếng chỉ trích “bọn Cần Lao”, “bọn Tập
đoàn Công dân” dù ông Nguyện cũng đã từng là một loại Cần Lao (nhất là
ông Nguyện đã từng hân hạnh được nhà Ngô nhờ đứng làm vai “trưởng
nam” trong đám tang ông Ngô Đình Khôi). Rồi ông Nguyện đem cả nhà lên
chùa quy y mà theo lời ông là “để cho Cẩn biết mặt”. Khi viện đại học Huế
được thành lập, Linh mục Cao Văn Luận vốn là bạn thân của ông Nguyện,
bèn mời ông dạy môn Hán văn. Ngày xảy ra biến cố Phật giáo, ông Nguyện
đã cùng với các giáo sư đại học Huế ký tuyên ngôn lên án chính phủ Diệm
“kỳ thị và đàn áp Phật giáo”. Ông Nguyện bị ông Cẩn bắt giam. Cùng bị
giam với ông Nguyện là em tôi, Đỗ Hứa, chánh văn phòng của bác sĩ Giám
đốc Nha Y Tế Trung Việt. Sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, Thủ tướng
Nguyễn Khánh thu hồi một nghị định cũ của chính phủ Diệm nhằm dành
một số đặc quyền đặc lợi cho những cán bộ cũ của ông Diệm, (ông Nguyện
giận lắm và có phàn nàn với tôi) ông Nguyện bèn từ giã viện Đại học về nhà
đi buôn, sống ngoài vòng cương tỏa, giữa một thời thế đổi thay xáo trộn.
Nhưng cuộc đời của ông Nguyện vẫn chưa hết gian nan vì vào khoảng năm