việc chung quanh cái gì cũng chạy đến thưa trình với chú Cẩn, thím Nhu,
Đức Cha. Tôi đã từng la rằng họ chỉ có một Tổng thống thôi như Nguyện đã
biết. Cụ lại nói rằng: “Hiện đang bị khó dễ với người Mỹ vì Mỹ muốn đem
quân sang. Nếu quân Mỹ sang thì mình mất chính nghĩa, tạo đường tuyên
truyền thuận lợi cho Cộng Sản. Mỹ đưa cố vấn là quá đủ rồi. Tôi sẽ không
chấp nhận, quân ta có đủ lính để đánh Cộng Sản. Mỹ chỉ giúp khí giới,
phương tiện là thắng. Nga, Tàu nó giúp Cộng Sản mà nó có đưa quân đâu?
Mỹ cũng muốn giao cho họ hải cảng, phi cảng, tôi có trả lời giao hay không
giao cũng như nhau, trong vấn đề chống Cộng thì dùng chung. Họ không
bằng lòng chắc sẽ xảy ra nhiều chuyện không hay, nhưng dù sao mình cũng
giữ thể thống của một quốc gia dù mình bị lật ngược thế cờ. Vả lại, tôi và
chú Nhu có ý dù hai miền Quốc-Cộng tranh chấp nhưng đều là máu mủ ruột
thịt, phải có biện pháp anh em giải quyết lấy chiến tranh, đỡ tốn hao sinh
mạng, tài sản, rồi bên nào kéo dài chung quy sẽ bị lệ thuộc vào một cường
quốc và đất nước chia rẽ vì các cường quốc có ý định chia rẽ cả”. (Xem bản
sao bức thư viết tay của ông Võ Như Nguyện trong phần Phụ Lục).
Ông Võ Như Nguyện là ai mà được ông Diệm khi ra Huế gọi đến phân trần
tâm sự và nói đến những bí ẩn quốc gia, những quyết định quan trọng liên
hệ đến những vấn đề tồn vong của đất nước?
Ông Võ Như Nguyện vốn là một phán sự tòa Khâm sứ Huế thời Pháp thuộc.
Cũng như tôi, thời quân Nhật chiếm đóng Đông Dương, ông Nguyện hoạt
động cho Phong Trào Cường Để dưới sự lãnh đạo của ông Diệm. Ông đã
từng bị Pháp bắt đày giam ở Dakto (Kontum) cho đến khi Nhật đảo chánh
Pháp mới trở về Huế hoạt động chống Việt Minh. Khi Pháp trở lại Huế và
Hội đồng Chấp chánh của ông Trần Văn Lý ra đời, ông Nguyện giữ chức vụ
Phó giám đốc Thông tin Trung phần và làm chủ nhiệm tuần báo “Lòng
Dân”, một tờ báo có lập trường chống Cộng, ủng hộ giải pháp Bảo Đại, dù
trong thâm tâm ông Nguyện vẫn giữ cảm tình với ông Diệm và thường đến