1965–66, tướng Nguyễn Chánh Thi đang là Tư lệnh Quân đoàn I ở Huế lại
có những lời lẽ chê trách ông Võ Như Nguyện là “Cần Lao” làm cho ông
thêm bất mãn với chế độ mới, với tướng lãnh. Ngày 23 tháng 4 năm 1975,
ông Nguyện lên phi cơ rời Việt Nam đến Pháp sống cuộc đời lưu vong, cô
quạnh.
Ông Võ Như Nguyện với anh vợ tôi là ông Nguyễn Bá Mưu vốn là bạn
đồng nghiệp cùng làm việc tại Tòa Khâm sứ Huế, cả hai đều là chiến hữu
của ông Diệm, đều là trưởng nam của những nhà khoa giáp từng có thành
tích chống thực dân Pháp. Ông Nguyện với tôi vừa là đồng chí vừa là bạn
thân hơn hai mươi năm trời, dù ông là một nhà Nho, một thi sĩ chuyên về
thơ Đường, trong lúc tôi chỉ là một kẻ võ biền mới học hết Tam Tự Kinh,
chưa đọc xong sách Luận Ngữ.
Tuy ông Nguyện là một nhân vật không nổi tiếng lắm, nhưng ở Huế giới trí
thức, giới công chức, nhất là giới Công giáo không mấy ai không biết.
Trường hợp ông Nguyện là một trường hợp điển hình của người mang một
tâm trạng đau khổ và mâu thuẫn: Tuy chống Cộng nhưng lại phải ca ngợi
âm mưu thỏa hiệp với Cộng Sản của Diệm–Nhu, tuy là cán bộ rường cột
của nhà Ngô nhưng lại bất mãn với nhóm Cần Lao và Tập đoàn Công dân,
tuy công nhận rằng chế độ Diệm đã phạm những tội ác tày trời và những lỗi
lầm làm nguy hại quốc gia nhưng lại vẫn thương tiếc ông Diệm và những
vàng son của chế độ đó.
Từ ngày lưu vong xứ người, lòng “hoài Ngô” của ông Nguyện lại càng dạt
dào hơn. Vì thế, khi kể lại buổi hội kiến giữa ông ta với ông Diệm xảy ra
vào những ngày cuối của chế độ, ông Nguyện đã muốn biện minh rằng sở dĩ
ông Diệm không chịu để Hoa Kỳ đem quân vào miền Nam là vì lập trường
“bắt tay với Cộng Sản” hợp lý của ông Diệm. Và như một hệ luận đương