Hoành Linh Đỗ Mậu
VIỆT NAM Máu Lửa Quê Hương Tôi
Chương 17
CUỘC CÁCH MẠNG 01-11-1963
Tôi có hai người cháu mà tôi thương mến đặc biệt: Đỗ Thọ gọi tôi bằng
chú, là Đại úy Không quân trong phi đoàn I Vận tải, và sau này trở thành
một trong bốn sĩ quan tùy viên của Tổng thống Diệm. Thọ trầm tĩnh ít nói,
tính tình cứng rắn và thủy chung. Binh chủng Không quân có đem lại cho
Thọ một ít chất lãng mạn nhưng cũng đủ chừng mực để làm cho Thọ bớt
khắc khổ mà thôi. Thọ không quan tâm nhiều đến tình hình đất nước nhưng
lại rất nặng tình gia tộc.
Tháng 11 năm 1963, Thọ theo ông Diệm trốn khỏi dinh Gia Long đến nhà
thờ Cha Tam. Sau Cách mạng 1963, Thọ trở về Phi đoàn cũ, và trong một
chuyến bay đón Thủ tướng Khánh tại Đà Nẵng, Thọ bị tử nạn trên không
phận Quảng Nam. Năm đó Thọ 29 tuổi, và để lại cho đời tác phẩm “Nhật
Ký Đỗ Thọ” do người em sưu tầm và xuất bản.
Người cháu thứ nhì là Nguyễn Bá Liên, gọi tôi bằng dượng, là Thiếu tá Tư
lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến, chỉ huy Tiểu đoàn I và II hành quân diệt
địch khắp chiến trường miền Nam. Liên vốn có truyền thống cách mạng
trong gia đình, lại mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ nên tính tự lập, cương cường và
khí phách. Đời sống của binh chủng thiện chiến đã hun đúc Liên thành một
sĩ quan văn võ toàn tài, mà tình yêu quê hương dân tộc chỉ thêm nồng nàn
với những cọ sát sôi bỏng chống kẻ thù và với sự hủy diệt thảm khốc
thường trực của chiến tranh.
Năm 1963, Liên là sĩ quan cầm quân tiến đánh dinh Gia Long dưới sự chỉ
huy của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1966, Liên được đổi tên Kontum
làm Tư lệnh Biệt khu 24, một trong những nút chặn nguy hiểm nhất của
đường mòn Hồ Chí Minh, và tử nạn (năm 1969) trong một cuộc hành quân
khốc liệt tại Tân Cảnh, trong vùng núi Trường Sơn gần Bến Hét. Năm đó
Liên 38 tuổi và để lại cho đời tác phẩm Việt Nam, Việt Nam ơi! với bút hiệu
Trường Giang.