Hai người cháu đặc biệt đó có hai cuộc đời cũng đặc biệt, tuy đối nghịch
nhau trong ngày lịch sử 1–11–1963 nhưng lại gặp nhau trong hành động lấy
sinh mạng trả nợ non sông. Hai người cháu đó đứng hai chiến tuyến khác
nhau trong ngày lịch sử 1–11–1963 đều lấy sự thủy chung làm tiêu chuẩn
chọn lựa: Thọ thì thủy chung với ông Diệm, Liên thì thủy chung với đất
nước quê hương.
Chương này tôi viết trong nỗi niềm nhớ tiếc về hai đứa cháu thân thương đó
mà những hành xử trong ngày 1–11–1963 chỉ làm cho cả Thọ lẫn Liên trở
thành những hành ảnh hùng tráng và thắm thiết trong gia tộc chúng tôi.
Hình ảnh đó cũng tượng trưng cho tâm trạng tôi trong cuộc Cách mạng 1–
11–1963: Thọ là tình người, Liên là tình nước.
-o0o-
Cuộc Cách mạng 1–11–1963 đã được nhiều sách vở, tài liệu đề cập đến đầy
đủ. Từ những vận động đến tiến trình thành hình của nó, từ những lực lượng
tham dự đến kế hoạch phát động của nó. Trong chương này, tôi chỉ xin đề
cập đến những sự kiện và suy tư về những hoạt động mà tôi đã trực tiếp
đóng góp, hoặc những biến cố tôi biết rõ trong ngày Cách mạng đó mà thôi.
Vào giữa tháng 7 năm 1963, mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm đã tận
dụng mọi thủ đoạn để đàn áp các cuộc biểu tình chống đối chính phủ và đặc
biệt trao quyền cho Tòa án Quân sự để đem ra xét xử những can phạm quân
sự và dân sự trong biến cố Nhảy Dù với mục đích cảnh cáo, hăm dọa phong
trào đấu tranh, nhưng phong trào chống đối mỗi ngày một sôi động hơn.
Các cuộc biểu tình đấu tranh của Phật giáo đã có sự tham dự đông đảo của
hàng ngũ sinh viên đại học, học sinh trung học và cả các em nhỏ các trường
tiểu học nữa, đến nỗi học giả Douglas Pike, trong cuốn “Viet Cong” đã mô
tả những ngày hè 1963 này bằng hình ảnh của một “Thủ đô Sài Gòn đang
bốc lửa”.
Để đối phó với tình hình sôi động đó, chính phủ Diệm đem thêm hai tiểu
đoàn Dù và hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Sài Gòn tăng cường cho
các đơn vị Bộ Binh và Cảnh Sát Dã Chiến để đàn áp các cuộc xuống đường.