hình là cuộc binh biến lẫm liệt 11–11–60 của binh chủng Nhảy Dù và những
trái bom nổ lửa ngày 27–2–1962 của hai phi công Quốc và Cử.
Đêm 20–8–1963, đêm định mệnh mà vợ chồng Nhu tấn công chùa chiền,
tình cờ một người bạn thân của tôi là Đại tá Phùng Ngọc Trưng (hiện ở
Pháp) đến chơi và ngủ lại nhà tôi. Trưng vừa mới bị ông Ngô Đình Cẩn cất
chức Giám đốc Quân nhu Quân khu I và được tôi kéo vào Sài Gòn giữ chức
Chánh sở Hành Chánh Tiếp vận cho Nha An Ninh Quân Đội. Đêm ấy hai
anh em tôi đang ngồi nói chuyện thì bỗng vào khoảng một giờ sáng, Thiếu
tá Nguyễn Thành Long, Chánh sở An Ninh Quân Đội Sài Gòn–Gia Định,
gọi điện thoại khẩn cấp báo cho tôi biết cảnh sát Dã chiến và Lực Lượng
Đặc Biệt của Lê Quang Tung đang tấn công chùa Xá Lợi (trung tâm chỉ huy
lực lượng Phật giáo đấu tranh), chùa Ấn Quang và chùa Theravada. Theo
Long thì chính bà Nhu mặc quân phục Thủy Quân Lục Chiến, đi xe
Mercedes đến trước cổng Chùa Xá Lợi để chỉ huy cuộc tấn công chùa này.
Và chính nhân viên của Long thấy bà ta la hét, chỉ trỏ ra lệnh cho lực lượng
tấn công. Tôi bèn bảo Long cứ tiếp tục theo dõi biến cố và ngày mai sẽ làm
tờ trình cho tôi, rồi tôi lại ra trước sân nhà tiếp tục nói chuyện với Đại tá
Trưng cho đến sáng.
Ngôi nhà mà Quân đội cấp cho tôi ở là một biệt thự trong cư xá Hải quân,
kiến trúc theo kiểu Pháp thời thuộc địa, nằm cuối đường Gia Long gần
chủng viện Saint Paul yên tĩnh. Đường Gia Long có hai hàng me xanh lá
chụm đầu vào nhau xào xạc, đêm đó như san sẻ câu chuyện tâm sự của hai
anh em chúng tôi đang bàn tán về chế độ Diệm và biến cố tấn công chùa
chiền.
Là một chứng nhân sống, là một nạn nhân trực tiếp, Trưng đã kể hết và kể
rõ tất cả những tội ác của hai ông Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn và tập
đoàn Cần Lao Công Giáo tại Huế và miền Trung. Với giọng nói bi thiết của
một người đã hy sinh tất cả để rồi bị phản bội độc ác, Trưng kết luận: “Như
anh biết, cả gia đình tôi đã xả thân cho nhà Ngô với tất cả lòng trung tín và
hy sinh. Thời kỳ anh em ông Diệm còn lao đao không ai dám liên hệ, thì
chúng tôi đã công khai ủng hộ, đóng góp nhân lực, vật lực. Khi ông Diệm
làm Thủ tướng phải tứ bề thọ địch và lúc nào cũng sẵn sàng bị tấn công thì