quân Minh xâm lược Đại Việt để tiến công nước này từ phía nam. Đẩy lùi
xong quân Minh, các vua Lê đã nhanh chóng thanh toán được mối nguy
Chămpa.
Tuy nhiên từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, sức mạnh của Việt Nam không
ngừng tăng lên, trong khi nước Chămpa vẫn còn phải lo đối phó ở phía nam
với vương quốc Khmer, do đó mà mất dần nhuệ khí tiến công. Ở thế kỷ thứ
sáu, khi vương quốc Khmer chưa thật sự đứng vững, người Chăm đã có
những cuộc tiến quân xuống vùng châu thổ sông Mê Kông. Vương quốc
Khmer được củng cố, cuộc xung đột diễn ra với những chiến thắng và
chiến bại xen kẽ giữa đôi bên. Năm 1100, người Khmer đã gây được một
cuộc nổi loạn ở bên trong Chămpa, chiếm được một phần của nước này
trong một thời gian. Ít năm sau, người Chăm đã trả đũa để rồi lại bị người
Khmer tiến công và đẩy lùi quân Chăm lên tận biên giới nước Đại Việt,
chiếm kinh đô Vijaya năm 1145, thiết lập nền thống trị Khmer trong vòng
bốn năm. Năm 1147, người Chăm trả thù, chiếm kinh đô Khmer, thiết lập
tại đấy quyền thống trị của mình, cũng trong vòng bốn năm. Nhưng ngay từ
đầu thế kỷ XIII, vua Khmer Jayavarman VII, sau khi xây dựng lại một đội
quân hùng mạnh, liền xâm lược Chămpa, thôn tính một tỉnh của nước này
để sáp nhập vào vương quốc Khmer.
Bị kẹp giữa hai nước láng giềng, không ngớt lâm vào những bất hòa nội
bộ, các phe phái trong giới quý tộc Chăm thường xuyên cắn xé lẫn nhau,
nước Chămpa cuối cùng phải lùi bước hẳn. Năm 1471, một đạo quân viễn
chinh của Đại Việt tiến đánh kinh đô Vijaya; thế là mở đầu một quá trình
lấn chiếm dần vương quốc Chăm; các vua Chăm rốt cuộc chỉ còn giữ được
một thứ quyền lực tôn giáo tượng trưng, trong khi đất đai Chămpa dần dần
bị Đại Việt thôn tính.
Đến thế kỷ thứ XVII, với đường biên giới của mình xuống đến tận lưu
vực các sông Đồng Nai và Mê Kông, quốc gia Đại Việt ở trong thế đối mặt
trực tiếp với vương quốc Khmer. Thực ra, những cuộc chạm trán đầu tiên
đã nổ ra từ thế kỷ XII, khi các đường biên giới của vương quốc Angkor lúc
ấy bao gồm cả một phần của nước Lào hiện nay, tiếp giáp với biên giới của