lạc hướng của chính quyền thuộc địa. Quả thế, chính quyền thực dân đã
quyết định sáp nhập Bắc Kỳ vào với Trung Kỳ dưới cái ô của triều đình
Huế phô trương hành động này như một bước tiến tới sự thiết lập lại một
nước Việt Nam thống nhất. Thực ra, họ muốn lôi cuốn dân chúng vào công
cuộc chống Nhật. Thủ đoạn này không lừa được ai, một chiến dịch lớn
được phát động để làm cho mọi người thấy rằng, hành động trên đây chỉ đi
đến chỗ là giảm thiểu hơn nữa chút ít quyền tự do dân chủ còn lại ở Bắc
Kỳ, đặt xứ này trở lại dưới uy quyền của nền quân chủ đã hoàn toàn nằm
trong tay bọn thực dân. Tờ báo Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Đảng
Cộng sản xuất bản ở Sài Gòn đã viết rằng, con đường tái thống nhất không
thể nào thông qua việc hợp nhất Bắc Kỳ và Trung Kỳ dưới quyền của chế
độ quân chủ, mà bằng một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ để giành các
quyền tự do dân chủ, chống lại bọn thực dân phản động và chống lại sự
xâm lược của Nhật Bản. Trước sự chống đối kiên quyết đó, chính quyền
thuộc địa phải hủy bỏ quyết định của họ.
Như vậy là vào thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới thứ II sắp nổ ra, quần
chúng nhân dân Việt Nam đang trải qua một cuộc vận động chính trị sôi
sục, nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng được tổ chức vững chắc và
dày dạn kinh nghiệm. Những nhân tố đó sẽ đóng vai trò quyết định trong sự
tiến triển của các sự kiện về sau. Tình thế vậy là thuận lợi hơn nhiều so với
thời điểm ở ngưỡng cửa cuộc Chiến tranh thế giới thứ I.