và Việt Quốc đã gây nên các vụ rối ren ấy và đưa ra những yêu sách của
chúng lúc quân đội Pháp bắt đầu các cuộc hành quân tái chiếm miền Nam.
Chống lại các nhóm lẻ tẻ ấy là chuyện dễ vì chúng hoàn toàn không được
nhân dân ủng hộ; vấn đề chính là đối với các ông chủ của chúng, tức là
những tay chân của Tưởng Giới Thạch, phải có một chính sách cứng rắn
trên nguyên tắc nhưng lại rất linh hoạt trong thực hành. Trong hai tên đế
quốc ấy thì Pháp là kẻ thù nguy hiểm nhất, vì Tưởng Giới Thạch đang bị uy
hiếp ở ngay trong nước mình bởi cách mạng Trung Quốc đang trên đà phát
triển mạnh cho nên ít có cơ hội có thể trực tiếp tấn công Việt Nam. Tuy
nhiên, đội quân 20 vạn người của Lư Hán vẫn là một mối nguy thường trực
không nhỏ đối với nước Cộng hòa Việt Nam mới ra đời.
Phải tránh xung đột trực tiếp với đội quân ấy đồng thời ngăn không cho
chúng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, bằng cách vận động
quần chúng đấu tranh chính trị mỗi khi chúng mưu toan xâm phạm chủ
quyền quốc gia. Những hành vi phá hoại, những tội ác của bọn Việt Cách,
Việt Quốc bị tố cáo trước dư luận, bị trừng trị nếu cần, nhưng Chính phủ
cũng có những nhân nhượng chính trị đối với họ. Họ được mời ứng cử
trong cuộc Tổng tuyển cử; biết trước rằng sẽ bị đánh bại, họ từ chối ứng cử
nhưng vẫn nhận cử người giữ 70 ghế ở Quốc hội như tướng Lư Hán đã yêu
sách. Dưới sức ép của quân đội Tưởng Giới Thạch, tháng Giêng năm 1946,
Chính phủ buộc phải nhận Nguyễn Hải Thần của Việt Cách làm Phó Chủ
tịch nước Cộng hòa và Nguyễn Tường Tam của Việt Quốc làm Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao. Những hoạt động phản cách mạng của những nhóm người
này đều không đi đến đâu, bởi vì khắp nơi nhân dân xua đuổi họ và chính
quyền ở tất cả các cấp đều do những người cách mạng nắm chặt trong tay.