VIỆT NAM MỘT THIÊN LỊCH SỬ - Trang 33

Về mặt đối nội, trở lực chính cho việc xây dựng một chính quyền tập

trung có khả năng lãnh đạo nền kinh tế và nhất là quản lý hệ thông đê điều
và chống lại một cách hữu hiệu sự xâm lược của nước ngoài, là sự tồn tại
của các lãnh chúa phong kiến, mỗi người cát cứ một vùng. Khi Ngô Quyền
mất năm 944, 12 lãnh chúa chia nhau đất nước và xâu xé lẫn nhau.

Xuất phát từ Hoa Lư(tỉnh Ninh Bình ngày nay), Đinh Bộ Lĩnh lần lượt

đánh bại tất cả và đến năm 967, thống nhất đất nước. Năm 968, ông tự
xưng làm vua, đặt quốc hiệu là Đại Cổ Việt đóng đô ở Hoa Lư, tổ chức lại
quân đội và nền hành chính, chọn những nhà sư có tiếng tăm làm quân sư.
Việc ám sát Đinh Bộ Lĩnh năm 979, đã đưa lên ngôi một đứa bé mới 6 tuổi
đó là Đinh Toàn. Trong khi ấy, triều đại nhà Tống đã lên nắm quyền ở
Trung Quốc và trật tự đã được lập lại ở nước này. Một đội quân viễn chinh
được nhà Tống phái sang nhằm tái chiếm Việt Nam, lúc đó Việt Nam cũng
đang bị quân Chiêm Thành tấn công ở phía nam. Để đối đầu với nguy cơ,
triều đình và quân đội tôn lên ngôi một vị tướng giỏi là Lê Hoàn. Ông đánh
bại quân Tống cả thủy lẫn bộ, cứu đất nước khỏi cơn nguy biến(981). Năm
982, Lê Hoàn chỉ huy một đạo quân tiến sâu vào đất Chiêm Thành đánh
chiếm thủ đô Indrapura(tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay), ngăn chặn
được trong thời gian dài nguy cơ xâm lược từ phía nam.

Một quốc gia dân tộc độc lập và ổn định ra đời với những định chế chính

quy được bổ sung dần qua các triều đại. Trong khuôn khổ đó, kinh tế và
văn hóa bắt đầu phát triển và những đổi thay triều đại sẽ không còn ảnh
hưởng đến sự vững chắc của nền độc lập dân tộc đã được vĩnh viễn giành
lại.

Năm 1009, nhà Lý lên ngôi - tức Lý Công Uẩn, hiệu là Lý Thái Tổ, mở

đầu một thời kỳ dài độc lập và thịnh vượng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.