Bước đầu của sự kết thúc
Ngừng bắn, phóng thích tù binh, tự do đi lại giữa hai vùng, tự do dân
chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc, thừa nhận lực lượng thứ ba và tất nhiên,
thừa nhận sự tồn tại của Chính phủ Cách mạng lâm thời và các vùng lãnh
thổ đã được giải phóng - tất cả những điều đó, đối với Thiệu đều không hề
có. Còn Nixon thì ngay sau khi kí Hiệp định Paris, đã gào lên rằng ông ta
chỉ thừa nhận chính quyền Thiệu như là Chính phủ hợp pháp duy nhất của
Việt Nam mà thôi. Sau hơn hai mươi năm, những luận điệu ấy của Nixon là
động thái báo trước những chuyện chẳng lành tương tự như lời Eisenhower
sau khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết năm 1954.
Đối với Nixon-Kissinger-Ford, kết cục duy nhất có thể chấp nhận là đè
bẹp Chính phủ Cách mạng lâm thời, ít ra là bóp nghẹt được Chính phủ đó
và bảo đảm cho một chế độ thực dân mới chư hầu của Mỹ đứng chân lâu
dài ở Sài Gòn. Có thể có người tưởng rằng sau Hiệp định Paris 1973, mọi
việc lại sẽ diễn ra như sau Hiệp định Genève 1954. Nhưng lịch sử không
lặp lại. Có thể là trong 20 năm, Washington đã có thì giờ để dựng lên ở
Nam Việt Nam một bộ máy quân sự và cảnh sát khổng lồ, nhưng các nhà
lãnh đạo Mỹ đã nhầm to khi họ tưởng tượng ra rằng những sự hủy diệt, tàn
phá, những tang tóc do họ gieo rắc trên đất Việt Nam đã làm kiệt quệ, suy
yếu nhân dân Việt Nam đến mức hoàn toàn bất lực.
Năm 1954, lực lượng kháng chiến Việt Nam đã phải hoàn toàn rời khỏi
miền Nam Việt Nam, tập kết lực lượng vũ trang, cán bộ của mình ra miền
Bắc, để lại một dân chúnh không vũ khí, không cán bộ đối mặt với kẻ thù
đế quốc. Năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời vẫn đóng giữ những
vùng lãnh thổ cùng với lực lượng vũ trang của mình. Sự khác biệt so với
năm 1954 là cơ bản. Nhân dân Nam Việt Nam cũng như dân Bắc Việt Nam
đã dày dạn chiến trận hơn rất nhiều. Sự đe dọa dùng vũ khí và quân lính
của Mỹ không còn làm ai run sợ, cho dầu có sự hợp đồng với áp lực từ phía
bên ngoài chăng nữa.