họ - những ''Việt cộng'' cũng có đến hàng trăm ngàn người vừa trở về từ
những nhà tù khổ sai và từ những căn cứ kháng chiến. Hàng trăm ngàn
người tập kết ra Bắc từ 1954 theo Hiệp định Genève, suốt 21 năm trời
không thể trở về Nam do sự chiếm đóng của quân Mỹ, cho nên ngay sau
ngày chiến thắng, họ đã vội vã trở về với người thân. Hàng triệu nông dân
hối hả trở về làng, nhưng thật đau xót, nhiều người trong số họ chỉ còn thấy
lại nhà cửa vườn tược của mình trong cảnh tan hoang. Khách quan sát nước
ngoài khó cảm nhận được tất cả những tình cảm và xúc động sâu xa của cả
một dân tộc suốt nhiều tháng liền đã sống trong thời điểm xúc động nhất
của lịch sử đời mình.
Thật dễ hiểu trong những điều kiện như thế, sự tái thống nhất nhanh
chóng là chính sách duy nhất, tất yếu phải được thực hiện, và người ta thấy
rõ tính chất hão huyền của các đề nghị nhằm duy trì sự chia cắt lâu dài đất
nước thành hai miền, với Chính phủ và tổ chức hành chính riêng.
Người ta cũng dễ dàng hiểu tại sao cuộc ''tắm máu'' khét tiếng mà nhiều
kẻ quan sát nước ngoài tiên đoán là không thể nào tránh khỏi đã không xảy
ra, thậm chí cũng không xảy ra những vụ hành hình không xét xử đối với
những phần tử đã cộng tác với chế độ cũ, như đã từng xẩy ra tại các nước
châu Âu sau khi quân chiếm đóng Đức quốc xã rút đi. Lúc này, chính sách
hòa hợp dân tộc không phải chỉ là một khẩu hiệu. Chế độ mới đã được lập
lên trên một cơ sở hợp pháp không thể chối cãi. Trên bình diện quốc tế,
mặc cho thái độ hung hăng thù địch của Mỹ, mặc cho sự hằn học của các
nước tư bản lớn và của Trung Quốc, không một ai nghĩ đến việc phủ nhận
tính hợp pháp đó như một hiện thực do chính lịch sử tạo nên, không có
cách gì lẩn tránh được.
Năm 1977, nước Việt Nam tái thống nhất được gia nhập Liên hợp quốc,
lần lượt các sứ quán phương Tây mở cửa ở Hà Nội.