Những bó buộc khách quan và những bước đi sai
lầm
Không phải là con đường không có chông gai và khó khăn mà hoàn toàn
ngược lại. Một nước kém phát triển trải qua bốn mươi năm chiến tranh và
bị cô lập với quốc tế không thể nào không bị chấn thương sâu sắc. Điều
quan trọng là không được lầm đường lạc lối giữa hai luồng dư luận cực
đoan: hoặc là hoàn toàn quên đi những hậu quả khủng khiếp và lâu dài của
cuộc chiến tranh(và do đó bỏ qua những tội ác của những chính khách và
nhà chiến lược ở Washington, hoặc lờ đi không nhắc đến những sai lầm và
khuyết điểm đã phạm phải - những sai lầm sẽ được công khai nhìn nhận vài
ba năm sau.
Chúng ta hãy nhớ vài con số: 26 triệu hố bom, 14 triệu tấn bom và đạn
pháo, 10 triệu dân nông thôn bị đuổi khỏi làng, 3/4 số xã ở miền Nam và
2/3 số xã ở miền Bắc, tất cả các thành phố thị xã ở miền Bắc đã bị đánh
bom vô cùng ác liệt, toàn bộ các cầu ở miền Bắc bị phá hủy. Không thể đưa
ra những con số chính xác về người chết và bị thương, quân nhân và nhất là
dân thường, số trẻ mồ côi, số người bị tàn phế, số nạn nhân của những tệ
nạn xã hội(ma túy, đĩ điếm) là những hậu quả sự chiếm đóng của nước
ngoài và của những chiến dịch quân sự, sự tan rã của những cộng đồng làng
xã, gia đình. Cũng không thể quên đi những di hại về sinh thái và di truyền
của cuộc chiến tranh hóa học.
Trước hết phải đối phó với điều khẩn cấp nhất: Việc Mỹ đột ngột ngừng
viện trợ trung bình là 2 tỷ đô la/năm đã lập tức làm nổ ra cuộc khủng hoảng
kinh tế xã hội nghiêm trọng; nhiều tỉnh, nhất là các tỉnh miền Trung, không
nhận được gạo nhập khẩu nữa, bị nạn đói đe dọa; nhiều triệu người rơi vào
cảnh thất nghiệp(chỉ riêng bộ máy chính quyền, quân đội và cảnh sát của
chế độ cũ đã có đến khoảng 1 triệu người) có nguy cơ tạo nên - nhất là
trong thành phố Sài Gòn quá đông dân những ổ nhóm bạo động nguy hiểm.