một số cán bộ chiến sĩ, kể cả những người có chức tước cao nhất, đã ra sức
vơ vét cho riêng mình, nào biệt thự, nào nhà cửa, xe cộ và nhiều của cải
khác mà những người chạy trốn bỏ lại, sống buông thả hư hỏng.
Vào tháng Chạp năm 1976, Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam
khai mạc trong một tình hình vừa chất chứa hy vọng vừa đầy những mối đe
dọa như thế. Đất nước đã được thống nhất. Đại hội phải xác định đường lối
chung chỉ rõ con đường đi đến tương lai, xây dựng xã hội mới trên những
cơ sở nào và giữ vững vị trí của mình trong khi hòa nhập với thế giới. Có
thể nói rằng kết quả đạt được trong những tháng đầu(5/1975 - 12/1976) là
tích cực. Tuy nhiên, đấy chỉ là những biện pháp chuyển tiếp đề ra và thi
hành trong một tình hình khẩn cấp. Đường lối chung và những chiến lược
được thông qua lần này về các lĩnh vực khác nhau - kinh tế, xã hội, văn
hóa, chính trị, quốc tế - phải quyết định đường đi cho nhiều thập kỷ. Ban
lãnh đạo của Đảng có đủ mọi quyền lực và uy tín cần thiết để đề ra những
nghị quyết có tầm quan trọng hàng đầu.
Vài năm sau, Đảng thừa nhận công khai là đã phạm những sai lầm
nghiêm trọng ở Đại hội IV. Tuy nhiên, nhà sử học hoàn toàn không lệ thuộc
phe phái nào có thể đặt ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ liệu đã có
thế làm khác được không? Phán xét về sau bao giờ cũng dễ dàng hơn, nhất
là phán xét một cách sơ lược không phân tích, một khi mà tấn kịch lịch sử
đã diễn xong tất cả các hồi của nó; tốt hơn là chúng ta thử tìm ra những
nguyên nhân chính đã dẫn đến việc thông qua một chính sách mà sau đó đã
tỏ ra tai hại, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Từ năm 1939, năm khởi đầu của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II cho
đến năm 1955, nước Việt Nam bị tách rời hoàn toàn với phần còn lại của
thế giới. Từ 1955 đến 1975, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có
những quan hệ quốc tế duy nhất với các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là
Liên Xô và Trung Quốc; các nước này, chính họ cũng đang bị tụt hậu ghê
gớm về mặt công nghệ so với thế giới tư bản, mặc dù Liên Xô có một số
thành tựu ngoạn mục. Đối mặt với sự xâm lược của Mỹ, với sự thù nghịch
chung của các nước tư bản chủ nghĩa(trừ Ấn Độ và Thụy Điển), với sự tẩy