Khởi nghĩa Lam Sơn và cuộc chiến tranh giành
độc lập
Lê Lợi, một địa chủ đất Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa, sinh năm 1385, trước
khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Minh, đã có dưới tay mình hơn
một nghìn thuộc hạ. Ngày mồng 7 tháng 2 năm 1418, ông xưng vua lấy
vương hiệu là Bình Định Vương, lôi cuốn về mình tất cả những ai không
dịu chấp nhận ách đô hộ của nhà Minh. Một nho sĩ tên là Nguyễn Trãi trở
thành người cố vấn được ông lắng nghe nhiều nhất về chiến lược và chính
trị. Hai người đã cùng nhau lãnh đạo cuộc khởi nghĩa kéo dài nhiều năm
cho đến thắng lợi cuối cùng.
Lê Lợi bắt đầu bằng đánh du kích trong vùng núi tỉnh Thanh Hóa, ông
gây cho địch nhiều thiệt hại nhưng cũng nhiều phen rơi vào tình thế nguy
nan, thậm chí tuyệt vọng. Nhờ lòng can đảm của binh sĩ, quyết tâm của
những người cầm đầu và tinh thần tận tụy của các tướng lĩnh, phong trào đã
có thể cầm cự. Hơn nữa, những cuộc nổi dậy của dân chúng ở nhiều tỉnh
khác đã giúp cho Lê Lợi không bị rơi vào những gọng kìm xiết chặt của
quân. Năm 1420, Lê Lợi uy hiếp được cả tỉnh lỵ Thanh Hóa và quân của
ông kéo đến hạ trại trên bờ sông Mã. Năm 1423, quân Minh phản công đẩy
lùi quân của Lê Lợi trở lại vùng thượng du, nhưng chính quân Minh cũng
mệt mỏi. Bộ chỉ huy địch chấp nhận đề nghị đình chiến của Lê Lợi. Chính
quyền nhà Minh tìm cách quyến rũ ông ta bằng những hứa hẹn ban cho lợi
lộc và danh giá nhưng Lê Lợi từ chối. Năm 1424, quân Minh mở những
cuộc tiến công mới, nhưng quân khởi nghĩa đã lợi dụng thời gian đình
chiến để củng cố các vị trí của mình.
Theo đề nghị của Nguyễn Chích, Lê Lợi đã điều động quân đội của mình
hướng vào tỉnh Nghệ An nhằm chiếm tỉnh này làm căn cứ kháng chiến.
Nhân dân trong tỉnh nồng nhiệt đón quân khởi nghĩa. Sau khi bao vây và
đánh bật nhiều cứ điểm của địch, Lê Lợi chiếm đóng tỉnh này. Tiếp đến là