những hình vẽ trang trí; trên vách một cái hang ở tỉnh Hòa Bình, người ta
tìm thấy một hình vẽ một con vật mình thú đầu người nhưng có sừng. Sự
tồn tại của những vỏ sò trong những hang động ở xa biển cũng như những
công cụ bằng đá ở những bờ biển không có nguyên liệu làm công cụ, có vẻ
chứng minh rằng đã có những sự trao đổi giữa hai miền.
Có lý do đế nghĩ rằng vào cuối thời đại đá mới, cách đây năm, sáu nghìn
năm, phần lớn các cư dân nguyên thủy đóng trên lãnh thổ hiện nay của Việt
Nam đã bước vào kỉ nguyên trồng lúa. Những phát hiện khảo cổ gần đây đã
cho thấy những vết tích của việc trồng lúa mỗi nơi một ít, từ Bắc chí Nam,
từ miền trung đến đồng bằng, bờ biển hay xa hơn nữa, ở các đảo ngoài
khơi. Ngoài các di chỉ đá mới đã được biết trong châu thổ Sông Hồng và
lưu vực sông Mã, người ta còn tìm thấy trên bờ biển tỉnh Quảng Ninh,
những di tích của nền văn hóa Hạ Long, có lẽ đã bắt nguồn từ các nền văn
hóa hậu Bắc Sơn. Cũng trên bờ biển nhưng quá xuống phía Nam, trong
phần bắc của Bình Trị Thiên, đã phát hiện di chỉ Bầu Tró mà lớp văn hóa
có thể coi là một giai đoạn tiến hóa cao hơn của truyền thông Quỳnh Văn.
Cũng thuộc thời kỳ này, người ta tìm thấy trên vùng cao nguyên ở tây
nam Trung Bộ những nhà ngoài trời, đặc biệt ở Gia Lai-Kon Tum và Đắc
Lắc, trong đó có rìu, dao, đá mài, những cuốc bằng đá và những đồ gốm mà
cách cấu tạo không có gì giống với những đồ vật được tìm thấy ở các nơi
khác ở Việt Nam.
Quá về phía nam trong lưu vực sông Đồng Nai, gần 50 di chỉ đá mới đã
được phát hiện trong những lớp phù sa cũ và mới của các đảo trên sông, có
khi tràn cả lên bờ, mà tiêu biểu nhất là di chỉ Cầu Sắt trong huyện Xuân
Lộc. Như vậy, cách đây hơn 4000 năm, ở miền này đã có một cuộc sống sôi
động với những điểm cư trú tương đối quan trọng. Văn hóa Đồng Nai là
một nền văn hóa của những vùng đất ở độ cao trung bình với một nền nông
nghiệp khô, khác với nền nông nghiệp ở đất ngập nước trong các miền
trũng của đồng bằng. Truyền thống này sẽ phát triển liên tục cho đến thời
kỳ đồ sắt và có thể đã dẫn đến sự hình thành nền văn hóa Óc Eo trong các
vùng đất thấp của miền Tây châu thổ sông Cửu Long.