Tổ chức hành chính, quân sự và pháp lý
Các đại điền trang không còn, sự tập trung hành chính đạt đến đỉnh điểm.
Triều đình được tổ chức lại với sáu bộ; các chức vụ tể tướng đầu triều và
nguyên soái thống lĩnh quân đội bị bãi bỏ để nhà vua trực tiếp nắm giữ. Bộ
máy quan lại nắm việc cai trị các tỉnh và các đạo; đứng đầu các xã là những
hương chức ít hay nhiều tùy thuộc số dân trong xã. Việc lập những xã mới
cũng như việc bầu hương lý đều được quy định tỉ mỉ. Năm 1467, vua
Thánh Tông cho vẽ bản đồ của tất cả các xã để hợp thành một bản đồ cả
nước. Đấy là tấm bản đồ trọn vẹn toàn quốc đầu tiên trong lịch sử. Cả nước
được chia thành những đạo, tỉnh, huyện, xã.
Quân đội lúc chiến tranh giải phóng kết thúc gồm 250.000 người, được
giảm xuống còn 100.000 người, chia thành 5 đội quân phiên nhau làm
nghĩa vụ quân sự thường trực và các công việc đồng áng. Công thức nông -
binh ra đời từ thời nhà Lý vẫn được áp đụng. Trừ những trai tráng được gọi
vào lính theo nghĩa vụ quân sự, còn có những người được ghi tên vào số
quân trù bị.
Bộ máy quan lại hợp thành một tầng lớp được hưởng những đặc quyền:
được cấp phát ruộng đất, nhà cửa, y phục đặc biệt, nhưng không được
quyền sở hữu những điền trang kèm với nông nô, không được có quân đội
riêng như dưới thời nhà Trần. Các thành viên của hoàng tộc được hưởng
những đặc quyền đặc lợi lớn, nhưng lại không được quyền tham gia lãnh
đạo đất nước, hoặc cai trị những tỉnh lớn như thời nhà Trần.
Bộ máy lập pháp đã được hoàn thành để phục vụ chế độ cai trị tập trung
và xã hội đang phát triển lúc bấy giờ. Năm 1483, luật Hồng Đức được ban
bố, đã pháp điển hóa, hệ thống hóa các luật lệ hiện hành thành bộ luật hoàn
chỉnh nhất của nước Việt Nam truyền thống, có hiệu lực đến tận thế kỷ
XVIII. Bộ luật này được các triều vua sau bổ sung, gồm 721 điều chia
thành 6 tập.