Đặc biệt bộ luật Hồng Đức quy định các luật lệ bảo vệ quyền sở hữu
ruộng đất của nhà nước, của các địa chủ. Luật bảo đảm quyền của người
cha trong gia đình, của người vợ cả, người con trai ca, quy định các nghi lễ
về cưới xin và ma chay. Có bốn ''trọng tội'' bị trừng phạt nghiêm khắc, đặc
biệt trong đó là tội làm loạn và tội bất hiếu. Tuy mang cốt cách phong kiến
và Khổng giáo, luật Hồng Đức vẫn có những mặt tiến bộ. Đặc biệt các
quyền của người phụ nữ đã được tính đến. Người phụ nữ được quyền sở
hữu ruộng đất, quyền được chia tài sản thừa kế một cách bình đẳng với đàn
ông và khi không có con trai thì con gái có thể thừa hưởng toàn bộ tài sản
của gia đình. Người vợ có quyền bỏ chồng, nếu trước đó người chồng đã bỏ
mặc vợ trong một thời gian nhất định nào đó. Đến thế kỷ XIX, khi chế độ
quân chủ phong kiến được phục hồi dưới những hình thức lạc hậu nhất của
nó, tất cả những điểm trên đây bị hủy bỏ. Luật Hồng Đức là biểu hiện pháp
lý đặc thù của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ không còn chịu ảnh hưởng nào
của Trung Quốc.
Với những vua Lê đầu tiên, đặc biệt là Lê Thánh Tông, nền quân chủ
phong kiến Việt Nam đã đạt tới điểm cực thịnh. Sau đó, chế độ quân chủ và
bộ máy quan lại sẽ còn tiếp tục đóng một vai trò tích cực đối với sự phát
triển của lịch sử.