DƯƠNG QUẢNG HÀM
VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ TƯ: CÁC THỂ VĂN
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN
PHÉP ĐỐI VÀ THỂ PHÚ TRONG VĂN TÀU VÀ VĂN TA: PHÚ, VĂN
TẾ
1.* Phép đối
Phép đối trong văn Tàu và văn ta. một cái đặc tính của văn chương Tàu và ta là
phép đối (chữ nho là đối ngẫu, đối: sóng nhau; ngẫu: chẵn . đôi): không những
là văn vần (như thơ, phụ) theo phép ấy, mà các biền văn (câu đối, từ lục, kinh
nghĩa) và đến cả văn xuôi nhiều khi cũng đặt thành hai câu đối nhau, hoặc hai
đoạn trong một câu đối nhau.
Thế nào là đối?- Đối là đặt hai câu đi sóng đôi cho ý và chữ trong hai câu ấy cân
xứng với nhau. Vậy trong phép đối, vừa phải đối ý vừa phải đối chữ.
A) đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
B) Đối chữ thì phải xét về hai phương diện: thanh của chữ và loại chữ.
1) Về thanh thì bằng đối với trắc, trắc đối với bằng. tùy thể văn, có khi cả các
chữ trong câu đều phải đối thanh (như thể thơ), có khi chỉ một vài chữ theo lệ đã
định phải đối thanh (như thể phú).
2) Về loại thì hai chữ phải cùng một loại mới đối nhau được. Ngày xưa các cụ
chia các chữ ra làm thực tự hay chữ nặng như: trời, đất, cây, cỏ và hư tự hay chữ
nhẹ như: thế, mà, vậy, ru. Khi đối thì thực tự phải đối với thực tự, hư tự phải đối
với hư tự.
Nay nếu theo văn phạm Âu Tây mà chia các chữ trong tiếng ta ra thành tự loại
rõ ràng thì ta có thể nói rằng hai chữ đối nhau phải cùng thuộc về một tự loại,
như cùng là hai chữ danh từ (noms), hoặc loại từ (spécificatifs), hoặc động từ
(verbes), hoặc trạng từ (adverbes) v.v. ..
Nếu có đặt chữ nho thì phải chữ nho đối với chữ nho.
Khi đối, nếu chọn được hai chữ cùng một tự loại mà đặt sóng nhau thì là chỉnh
đối hay đối cân. Nếu hai chữ ấy không những cùng một loại mà lại có ý nghĩa
trái nhau như đen với trắng, béo với gầy , v.v. thì gọi là đối chọi.