Ta sẽ lần lượt xét phép tắc các thể văn mượn của Tàu, rồi đến các thể văn riêng
của ta.
2.- Thơ Đường luật.
Thi pháp của Tàu và âm luật của ta.- Như trên đã nói, thơ nôm ta làm theo phép
tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng
đan âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của ta tức là thi
pháp của Tàu và các niêm luật của thơ ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả .
Thơ ngũ ngôn và thơ thất ngôn.- Thơ (chữ nho là thi) là thể văn, có thanh, có
vận, có thể ngâm vịnh được.
Theo số chữ trong câu, thơ cổ có hai lối chính:
1) Ngũ ngôn, mỗi câu năm chữ;
2) Thất ngôn, mỗi cây 7 chữ;
Thơ cổ phong và thơ Đường luật.- Theo cách làm, thơ chia làm hai thể;
1) Cổ phong là thể thơ có trước đời nhà Đường, không theo niêm luật nhất định.
2) Đường luật hoặc cận thể là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) phải
theo niêm luật nhất định.
Thơ Tứ tuyệt và thơ bát cú.- Theo số câu, thơ Đường luật chia làm hai lối:
1) tứ tuyệt, mỗi bài bốn câu.
2) Bát cú, mỗi bài tám câu.
Lối Đường luật bát cú là lối chính và thông dụng nhất, vậy ta hãy xét phép tắc
lối ấy trước.
I. Bát Cú :
Trong lối thơ Đường luật, có năm điều này phải xét
1) vần; 2) Đối; 3) luật; 4) niêm; 5) cách bố cục.
Vần thơ.-
A) Định nghĩa .- Vần (chữ nho là vận là những tiếng thanh âm hòa hiệp đặt vào
hai hoặc nhiều câu văn để hướng ứng nhau).
B) Cách gieo vần:-
1/ Thơ Đường luật thường dùng vần bằng; gián hoặc mới dùng vần trắc.
2/ Suốt bài thơ Đường luật chỉ hiệp theo một vần, tức là theo lối độc vận.
3/ Trong một bài bát cú có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và cối các câu chẵn.
C) Lạc vận và cưỡng áp.- Gieo vần sai hẳn, không hiệp nhau gọi là lạc vận (lạc:
rụng). Nếu vần gieo gượng không được hiệp lắm thì gọi là cưỡng áp (đặt