(Lê Bá Tú) xin đem những lời trên cho đình thần bàn nghị để định rõ tội
danh cho Lê Chất, khiến cho đến cả trăm đời sau kẻ gian tà còn biết để tự
răn mình. Vua dụ rằng: -(Lê) Chất lòng lang dạ sói, nét rất quỷ quái, làm tôi
thì bất trung bất chính, xử sự thì đại ác đại gian, việc gì làm cũng sai trái, ai
ai biết đến cũng đều phải nghiến răng, tội lỗi nào phải chỉ có mười sáu điều
như Lê Bá Tú nêu đâu. Trước kia, trẫm nghĩ rằng, (Lê) Chất cùng Lê Văn
Duyệt, dẫu lòng chúng chẳng đáng kẻ làm tôi mà chẳng có ai phụ họa vào
thì tất chúng chẳng dám làm điều ác. Vả chăng, chúng là nhất phẩm đại
thần, cho nên dẫu có mưu gian mà bá quan cùng trăm họ chưa ai tố cáo thì
cũng không nỡ khép vào trọng tội. Lũ chúng đã bị Diêm Vương bắt đi
tưởng như thế là lưới trời thưa mà lọt được, và trẫm cũng chẳng thèm hỏi
đến. Nay có người truy xét thì công tội đã có triều đình nghị luận, cốt sao tỏ
rõ khi sống bọn chúng đã làm điều trái phép. Tội ấy, cho dẫu là kẻ thân
thuộc của chúng cũng phải nhận là xấu xa. Hơn nữa, người ta ai chẳng có
chút trí năng để rồi không tức giận chúng, nhưng vì sợ uy của chúng mà
không dám cáo giác đó thôi chớ đâu có ai a tòng để chuốc lấy tội chết. Nay,
chẳnng cần tra cứu lan man, khiến người vô tội phải họa lây làm gì, đình
thần chỉ việc lấy tờ sớ của Lê Bá Tú, dựa vào mười sáu tội đã bị vạch mà
định rõ tội danh của mình Lê Chất. Vợ con của hắn cũng chiếu theo luật mà
xử, duy đứa con gái lớn đã đi lấy chồng và con trai còn bé nhỏ thì được
miễn tội.
Đình thần bàn nghị rằng: (Lê) Chất là kẻ bất trung, đại gian đại ác, nên
khép cho sáu tội phải xử lăng trì, tám tội phải xử chém, hai tội phải xử treo
cổ, còn con của phạm nhân mà thường ngầm bàn làm chuyện trái phép thì
xử lăng trì. Tuy nhiên vì nó đã bị bắt về âm phủ nên xin truy thu bằng sắc,
đào mả quan tài và chém xác bêu đầu để răn. Những sắc phong tặng cho
cha mẹ hắn đều thu lại. Vợ nó là Lê Thị Sa cũng là kẻ đồng mưu, xin xử
chém ngay.
Án làm xong, đưa xuống cho các quan Đốc phủ ở các địa phương để họ
đọc và gởi ý kiến vế triều đình, cốt sao việc xét xử được công bằng. Các
(quan ở các) địa phương tâu xin y lời nghị bàn của triều thần.