khoảng trên dưới hai mươi. Bấy giờ, nhiều người khuyên bà nên lập
đình, xây dựng hạnh phúc riêng, nhưng bà đã khảng khái trả lời: “Tôi
muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở
biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chớ
không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Sau câu nói bừng bừng
khẩu khí anh hùng đó, bà đã quả cảm phát động khởi nghĩa.
Quân Ngô sau nhiều phen thất bại, đã tìm đủ mọi thủ đoạn xảo quyệt,
thậm chí đã dùng cả tước hiệu Lệ Hải Bà Vương để chiêu dụ bà,
nhưng ý chí của bà trước sau vẫn không hề bị lung lạc.
Cuối cùng, nhà Ngô đã phải sai viên tướng lừng danh là Lục Dận đem
đại binh sang đàn áp. Bà Triệu cùng với hàng loạt nghĩa binh đã anh
dũng hi sinh vào năm 248.
Về thực chất, bộ chỉ huy khởi nghĩa do Bà Triệu cầm đầu cũng là một
guồng máy chính quyền. Bà Triệu chưa xưng đế hay xưng vương,
cũng chưa đặt quốc hiệu hay niên hiệu, nhưng rõ ang, guồng máy
chính quyền sơ khai do Bà Triệu lập ra, hoàn toàn biệt lập và đối
nghịch sâu sắc với chính quyền đô hộ của quân Ngô.
3) Thế thứ chính quyền nhà Tiền Lý (542-602)
Năm Nhâm tuất (542), Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn) đã lãnh
đạo nhân dân vùng dậy lật nhào ách đô hộ của nhà Lương (một triều
đại của Nam triều ở Trung Quốc thời Nam – Bắc triều). Chỉ trong một
thời gian rất ngắn, Lý Bí đã giành được thắng lợi và thiết lập một hệ
thống chính quyền độc lập, tự chủ riêng.
Nhiều bộ sử cũ vẫn gọi khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 602 là
thời Tiền Lý, dẫu thực tế không hoàn toàn như vậy. Xét rằng, các
chính quyền khác xuất hiện trong khoảng thời gian này, tuy không
đúng là của nhà Tiền Lý nhưng lại được xây dựng trên cơ sở thắng lợi
của nhà Tiền Lý, cho nên, chúng tôi cũng gộp chung mà gọi là thời
Tiền Lý.