dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, ai dám không theo?”. Vua
nghe vậy cả mừng.
Mùa thu tháng bảy (năm 1010), Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra phủ
thành Đại La. Khi thuyền Vua đang tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện
lên ở thuyền ngự. Vua nhân đó đổi gọi thành Đại La là Thăng Long”.
Lời bàn
Thời ấy, nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Thăng Long cũng là trung tâm của
đất nước. Vả chăng, trước triều Lý nhiều thế kỉ, Thăng Long cũng đã từng
là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước rồi. Sớm muộn tuy
có khác nhau, nhưng định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ thực đã nối được
chí lớn của An Dương Vương, của Lý Nam Đế, của Ngô Quyền, và của các
bậc anh hùng thuở trước rồi đó vậy.
Sáng suốt thay, người chọn đất đóng đô. Tuyệt vời thay, người đặt tên
kinh đô. Chút huyền bí đượm nồng thi vị ấy đã góp phần tôn vẻ đẹp có thật
của Thăng Long, để ngàn năm sau, đất ấy vẫn là niềm tự hào của dân tộc.