phạm được núi Tản Viên. Tục truyền, từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh
đời đời thù oán, hàng năm vẫn dâng nước đánh lẫn nhau.
Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng
nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, khiến cho vua của nước Thục
cũng tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm cho
được nước ta”.
Lời bàn
Chuyện đầy những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, nhưng giá thử ai
đó có tài kể ngược lại, bỏ hết những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, thì
… chuyện sẽ chẳng còn là chuyện nữa.
Bồng bềnh giữa những lời hư ảo chính là cái gì đó phản ảnh một cách
vừa mơ hồ vừa rất rõ rệt về năng lực trị thủy của cổ nhân. Sừng sững giữa
thiên nhiên khắc nghiệt, núi Tản Viên là biểu tượng của ý chí hiên ngang
trước mọi thủy tai.
Chẳng có gì khó khăn khi tìm chỗ đúng sai của cổ tích, nhưng, làm như
vậy phỏng có ích gì? Giữa bao la của trái đất, những người dân bé nhỏ vẫn
tin là có thánh thần. Thánh thần cao cả mà vô tư, luôn cứu giúp tất cả
những người lao động chân chính. Và đối với ngàn xưa, đó quả là một sức
mạnh tinh thần hết sức lớn lao. Mà … sức mạnh tinh thần, có khi lại khoác
áo cổ tích đầy vẻ hoang đường.
Trước mọi thủy tai, xin bạn hãy trông vời về đất tổ, nơi ấy có Sơn Tinh
tức thánh Tản Viên, bạn tin hay không tin cũng vậy, khi thành kính hướng
về đất tổ, nhất định bạn sẽ tự cảm thấy có một nguồn sức mạnh vô hình nào
đấy, khiến bạn tư tin và phấn chấn hẳn lên. Cứ đợi thử mà xem!