06. Huyền thoại về Loa Thành
Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người
Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta
thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh,
ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng,
được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba
vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc
lớn nhất của nước nhà thời cổ đại, là chứng tích bất diệt của ý chí và năng
lực sáng tạo của tổ tiên ta. Việc đắp thành khó khăn này đã được tiến hành
như thế nào? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 1, từ tờ 6a đến
tờ 7b) chép rằng:
“Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở, khiến Nhà vua rất lấy làm lo.
Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi,
thần sông, rồi khởi công đắp lại”.
…Mùa xuân, tháng ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, trỏ vào
thành rồi cười mà nói rằng: -Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong?
Vua liền mời vào điện để hỏi. Thần nhân nói: -Cứ đợi Giang sứ đến.
Xong, cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, Vua ra cửa thành, thấy có con rùa
bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là Giang sứ,
bàn được chuyện tương lai. Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt
mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng
đáp: -Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị (hồn thiêng) của con vua
thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu
. Trong
núi ấy có con quỷ, ấy chính là (hồn thiêng) của người con hát thuở trước
chết chôn ở đấy hoá thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ
Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của
tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám.
Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho sụp cả thành. Nay nếu giết
được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền
vững.