Quý Ly nói: -Nếu không còn phương sách gì thì ta đành tự tử, không để
tay kẻ khác giết mình.
Cự Luận nói: -Thượng hoàng trong lòng vẫn căm Vua về việc giết Quan
Phục Đại vương (một trong những người con của Nghệ Tông – ND), và
Vua cũng chẳng vui gì về chuyện này. Nay quyền bính trong thiên hạ đều ở
đại nhân cả mà Vua lại mưu hại đại nhân thì ắt Thượng hoàng càng lấy làm
ngờ lắm. Đại nhân nên hãy liều vào lạy Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại thì
nhất định Thượng hoàng sẽ nghe theo, chuyển họa thành phúc dễ như trở
bàn tay vậy. Thượng hoàng có nhiều con đích, đại nhân cứ tâu rằng, thần
nghe ngạn ngữ nói: “Chưa ai dám bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu
để nuôi con” (ý muốn chỉ việc Nghệ Tông cho lập cháu nội là Trần Phế Đế,
con của Trần Duệ Tông, làm vua mà không lập con mình lên ngôi vua –
ND). (Nghe thế), may ra Thượng hoàng sẽ tỉnh ngộ mà đổi lập Chiêu Định
Vương (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông – ND) lên ngôi. Nếu đến
lúc ấy mà Thượng hoàng vẫn không nghe thì chết cũng chưa muộn.
Quý Ly nghe theo, bí mật tâu với Thượng hoàng như lời Cự Luận bàn.
Thượng hoàng cho là phải”.
Lời bàn
Nhờ có tài, lại nhờ mối quan hệ hôn nhân chằng chịt, Hồ Quý Ly đã tạo
được thần thế cho riêng mình. Đã vậy, bên cạnh Quý Ly còn có võ tướng
khét tiếng là Nguyễn Đa Phương, mưu sĩ trí xảo là Phạm Cự Luận, triều
Trần đổ nát thật khó lòng mà quản chế nổi. Đến cả nhà vua mà còn bị gièm
pha để rồi bị truất phế và bị giết một cách thê thảm, thì thử hỏi còn ai đủ
sức qua mặt Hồ Quý Ly?
Hồ Quý Ly là người thế nào, khỏi bàn cũng đã rõ, chỉ tiếc là cái gốc của
sự điên loạn lại nằm ngay trong phép dùng người của triều Trần.
Với Nghệ Tông, Trần Phế Đế là cháu nội, Trần Thuận Tông là con đẻ.
Với Hồ Quý Ly, Trần Thuận Tông vừa là cháu họ lại vừa là con rể. Máu mủ
trực hệ mà Nghệ Tông còn không thương tình, bảo Quý Ly phải thương xót
con rể làm sao được? Sau, Quý Ly giết chết vua Trần Thuận Tông, cách