02. Hồ Quý Ly mượn tay thượng hoàng Nghệ Tông để giết vua
phế đế
Ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), nghĩa là bốn tháng sau khi nghe
lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của quan Đồng bình chương sự (Hồ Quý Ly
– ND), cũng là thông gia của mình, thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết
định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất
thương tâm, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8 tờ 11 a-b)
chép lại như sau:
‘Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về An Sinh
sai Điện hậu hộ vệ, rồi sai Chỉ huy hậu nội nhân
nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Đến
nơi, Thượng hoàng bảo Vua: -Đại vương lại đây!
Nói rồi, lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc
nội chiếu rằng: “Trước đây, Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về,
lấy con đích (của Duệ Tông) để nối ngôi, đó là đạo xưa. Nhưng, từ khi
quan gia lên ngôi đến nay, lòng dạ trẻ con, giữ đức không thường, gần gũi
bọn tiểu nhân, nghe lời Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm công thần,
làm lung lay xã tắc, nay phải giáng làm Linh Đức Đại vương. Song, quốc
gia không thể không có chủ, ngôi báu không thể bỏ trống lâu, nên truyền
đón Chiêu Định (tức Trần Ngung, con út của Nghệ Tông – ND) vào nối
ngôi đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết”.
Việc truất phế bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá
mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Cũng sách trên đã chép tiếp rằng:
“Nhiều tướng chỉ huy của các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết
Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân (thiếu tên
đơn vị – ND) là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang
là
Nguyễn Bát Sách … định đem quân vào cướp lấy Vua đem ra. Vua viết hai
chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý
Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng (sai người)
dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết”.