Bọn Vương Thông tin lời ấy, bèn ngờ vực mà nảy ý khác, sai quân đắp
thêm thành lũy, đào hào và thả chông để tính kế chống đỡ, ngoài mặt nói
hòa hiếu nhưng bên trong thì toan đánh lại. Chúng bí mật sai người mang
thư bọc sáp, theo lối tất mà về nước để xin viện binh. Vua bắt được người
đưa thư, ghét chúng nuôi lòng tráo trở, liền bí mật mai phục khắp bốn phía
thành Đông Quan, đón bọn giặc do thám, bắt được hơn ba ngàn tên và hơn
năm ngàn con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành, không dám ra
ngoài, sứ giả hai bên qua lại cũng dứt”.
Lời bàn
Từ khi được cử làm Tổng binh đi đàn áp lực lượng Lam Sơn. Vương
Thông mắc ba lần đại nhục. Lần thứ nhất là lần bị thảm bại ở Tốt Động –
Chúc Động, thân bị trọng thương, quân bị vây chặt trong thành Đông Quan,
tiến không được, thoái cũng không xong, bi đát không thể tưởng tượng
được. Lần thứ hai là lần này, trong thì trí quẫn lực kiệt, ngoài thì bọn ngụy
quan vì quá lo cho số mạng của bản thân mà xúi đông giục tây, kế cùng
đâm ra phản trắc, hao binh tổn tướng mà chẳng thu được lợi lộc gì, thê
thảm lại càng thêm thê thảm. Lần thứ ba là lần phải cúi đầu kí vào văn kiện
đầu hàng không điều kiện và cút khỏi nước ta. Ba lần ấy đủ để thiêu hủy
toàn bộ uy danh của tướng quân thiên triều.
Vương Thông và các tướng phụ tá cùng bọn ngụy quan quá bất tài
chăng? Cứ như sử Trung Quốc chép mà xét thì chính Vương Thông là
tướng tài trong số những tướng tài chứ chẳng phải là thường. Có chăng thì
chỉ là ở chỗ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cùng các tướng lĩnh Lam Sơn tài hơn.
Vả chăng, đã là đội quân bất nghĩa thì làm gì có diNu kế để tự cứu mình.