lỗi của Đức Trung, nhưng ngay chiều hôm đó, Phong chạy đến nhà Đức
Trung để xin lỗi.
Phong muốn làm thông gia với Nguyễn Yên, bèn đến lạy trước nhà
Nguyễn Yên suốt cả ngày, bấy giờ Nguyễn Yên mới nhận. Nhà vua nói với
Nguyễn Như Đổ rằng: -Trần Phong bề ngoài thì làm bộ nghiêm nghị mà
bên trong thì hiểm độc, nói năng không cẩn thận. Hắn ton hót và nịnh bợ
bọn quyền quý, hút máu cho Đức Trung, mút ung nhọt cho Nguyễn Yên,
dùng mánh khóe ấy để mong được tiến thân”.
Lời bàn
Với anh em ruột thịt, Trần Phong đã không có lượng bao dung lại còn
tìm cơ hội thuận tiện để hãm hại, ấy là bạc tình bạc nghĩa. Với kẻ ăn hối lộ,
Trần Phong cố xin cho được dùng tiền chuộc tội, ấy là bất chính và bất
lương. Với kẻ có quyền thế thì nhục nhã hạ mình để cầu cạnh và nịnh bợ,
ấy là tâm địa tiểu nhân hèn hạ. Nhân cách cỡ đó, làm người thường còn
chưa dễ được, huống là rắp tâm nuôi chí làm kẻ có danh vọng cao?
Trần Phong tầm thường một cách toàn diện đến thế hay sao? Ôi, nếu quả
đúng là như vậy thì lỗi của vua, lỗi của triều đình cũng không nhỏ. Xưa
nay, có ai dùng kẻ tầm thường làm thuộc hạ mà mình lại có thể tránh được
hết mọi sự tầm thường đâu!