Phàm là người làm quan, nếu không do dùi mài kinh sử để rồi thi cử đỗ
đạt và được bổ nhiệm, thì cũng phải là người có chút võ công trong trận
mạc, may được triều đình biết đến mà ban ân huệ để rồi cũng được làm
quan. Ba anh em Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn thì nhờ nạp thóc cho
chúa Trịnh mà được nhận quan tước, nào có vẻ vang danh giá gì đâu?
Thói thường, kẻ nhờ tiền của mà được chức tước thì thế nào rồi cũng
dùng chức tước để kiếm thêm lợi lộc, cho nên, chuyện ba anh em Mỹ
Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn, đang theo chúa Trịnh lại rắp tâm làm phản
chúa Trịnh, chẳng có gì là khó hiểu cả. Lấy thóc gạo để đổi lấy chút hư
danh thì họ sẵn lòng, còn như đổi mạng sống để lấy hư danh thì họ quyết
không làm. Nhưng, kẻ thiển lậu thì lúc nào cũng thiển lậu, lòng họ gian
manh mà mưu kế không đủ để thực hiện sự gian manh, cho nên, về với suối
vàng mà chẳng kịp nhận ra vì sao lại vế sớm đến vậy. Họ bị thua mà phải
chết, nhưng kẻ thắng cũng chẳng vinh quang gì. Thời mà danh phận không
rõ, thuận nghịch khó phân, thì kẻ thắng chẳng qua cũng chỉ là kẻ mạnh nhất
thời mà thôi.
Vợ của tướng quân Trương Trà quả là đáng phục. Chỉ một lần xông trận,
bà đã trả được thù nhà, khiến cho đối phương phải một phen khiếp đảm. Bà
cải trang làm đàn ông, ắt là muốn cho quân sĩ tin cậy, nhưng, bà đã làm
được việc mà đường đường là tướng quân như chồng bà là Trương Trà có
làm nổi đâu. Trong trường hợp này, ai bảo đàn bà là phải yếu thì thật là sai
lầm.