“Lúc ấy, bọn bề tôi là Cảnh Hấp và Đình Ngạn đến tâu vua rằng: -Tả
tướng cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ thật khó bề cùng tồn tại với ông ta
được.
Nghe vậy, Nhà vua hoang mang, nghi hoặc, đang đêm mà bỏ chạy, mang
theo bốn vị Hoàng tử cùng chạy vào thành Nghệ An và ở luôn tại đó. Tả
tướng nói với các tướng rằng: -Giờ đây, bởi nghe theo lời gièm pha của lũ
tiểu nhân mà Nhà vua bỗng làm điều khinh suất, bỏ ngôi báu mà phiêu dạt
ra ngoài. Thiên hạ không thể có một ngày không có vua. Nếu vậy, ta và
quân sĩ lập công danh với ai đây? Chi bằng hãy tìm một vị Hoàng tử, tôn
lên ngôi báu để yên lòng người, sau hãy đem quân đi đón Vua cũng không
muộn.
Bấy giờ, Hoàng tử thứ năm, tên là Đàm đang ở xã Quảng Thi, huyện
Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa – ND) Trịnh Tùng
cho người đón về, tôn làm vua, đó là vua Lê Thế Tông”.
Các bộ sử cũ cũng cho biết, đến ngày 22 tháng 1 năm Quý Dậu (1573),
vua Lê Anh Tông bị chúa Trịnh Tùng giết, thọ 41 tuổi. Hoàng tử Lê Duy
Đàm lên ngôi lúc mới sáu tuổi đầu, chính sự trong nước lớn nhỏ đều do
Trịnh Tùng quyết đoán.
Lời bàn
Bấy giờ, đất đai Nam triều quản lí thì bé nhỏ, dân cư Nam triều cai trị
chẳng có là bao, thế mà giặc ngoài đánh chưa xong, thù trong đã xuất hiện,
trong ngoài trên dưới nhiễu nhương đến mức khó lường.
Lê Cập Đệ tuy được phong tới hàm Thái phó, vậy mà nhận thức vẫn
nông cạn làm sao. Đến như anh ruột mà Trịnh Tùng còn không chút xót
thương thì bảo Trịnh Tùng thương người dưng nước lã làm sao được.
Dương dương tự đắc đã là dại, nhận vàng của kẻ mà mình biết thừa là đang
lập mưu hại mình thì lại càng dại hơn, cuối cùng, tự dấn thân vào miệng
cọp, sự dại này chẳng còn ngôn từ nào để diễn đạt được nữa. Cho nên, Lê
Cập Đệ chết, Trịnh Tùng nhổ được một cái gai ở trước mắt, vua Lê Anh