26. Nhục thay, hai vị chưởng cơ là Nguyễn Phúc Hiệp và
Nguyễn Phúc Trạch!
Sách Đại Nạm thực lục (Tiền biên quyển 2) chép rằng:
“Mùa xuân (năm Canh Thân, 1620 – ND), các quan Chưởng cơ
(Nguyễn Phúc Hiệp) và (Nguyễn Phúc) Trạch, con thứ 7 và thứ 8 của Thái
Tổ (chỉ Nguyễn Hoàng – ND) âm mưu nổi loạn. Họ gởi mật thư, xin họ
Trịnh phát binh và họ hứa sẽ tự mình làm nội ứng, hẹn thành công sẽ cùng
chia đất này (chỉ đất Thuận Quảng – ND) để trấn trị. Trịnh Tráng (được
thư) liền sai Đô đốc Nguyễn Khải đem 5000 quân vào đóng ở Nhật Lệ,
huyện Phong Lộc (nay thuộc Quảng Bình – ND) để chờ động tĩnh.
Hiệp và Trạch sợ quan Chưởng cơ là Tôn Thất Tuyên, con thứ tư của
Hòa Quận công là Tôn Thất Hòa, nên không dám hành động ngay. Khi ấy,
Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên – ND) họp cùng các tướng để bàn việc
chống quân họ Trịnh. Hiệp và Trạch vờ dâng mưu kế rằng: -(Tôn Thất)
Tuyên trí dũng hơn người, nếu sai cầm binh đi đánh thì tất nhiên sẽ phá
được địch.
(Tôn Thất) Tuyên biết rõ âm mưu (của Hiệp và Trạch), bèn nói với Chúa
rằng: -Nay nếu thần mà rời khỏi dinh thì tất sẽ có biến.
Chúa bèn sai quan Chưởng dinh
là Tôn Thất Vệ, con thứ hai của Tôn
Thất Hà, người bấy giờ thường được gọi là Quận công, đem quân đi đánh
(Nguyễn) Khải. Hiệp và Trạch thấy mưu không thành, bèn đem quân chiếm
kho Ái Tử và đắp lũy Cồn Cát để làm phản. Chúa sai người đến dỗ song họ
vẫn không chịu nghe. Sau, Chúa đành phải lấy (Tôn Thất) Tuyên làm tướng
tiên phong, cùng Chúa đem đại binh đi đánh. Hiệp và Trạch thua chạy,
nhưng bị (Tôn Thất) Tuyên đuổi bắt được, đem dâng Chúa. Chúa trông
thấy, chảy nước mắt mà nói rằng: -Hai em sao nỡ trái bỏ luân thường?
Hiệp và Trạch cúi đầu chịu tội. Chúa muốn tha nhưng các tướng đều cho
rằng, phép nước không thể dung tha được. (Chúa) bèn đem họ giam vào
ngục. Hiệp và Trạch vì quá xấu hổ mà đổ bệnh rồi mất. Nguyễn Khải nghe
tin ấy liền dẫn quân về.