Đào Duy Từ, người mà chúa Trịnh khinh khi chỉ vì ông là con phường
chèo, chẳng dè lại là người mưu sâu kế hiểm, chúa Nguyễn sánh ông với
Tử Phòng và Khổng Minh thì có thể là chưa đúng, nhưng chắc chắn là cũng
chẳng sai bao nhiêu. Hóa ra, xét người mà không xét ở cái đầu và cái tâm,
chỉ lo xét ở những trang gia phả của họ, thì nếu đúng cũng chỉ là sự may
trong muôn một mà thôi.
Những cuộc gặp gỡ tương đắc bao giờ cũng đem lại những kết quả to lớn
không ngờ, đôi khi sức lực và trí tuệ không phải chỉ là cộng lại, mà là nhân
lên, mạnh mẽ gấp bội phần. Nguyễn Phúc Nguyên và Đào Duy Từ, cuộc
gặp gỡ của họ cũng có thể nói là rất tương đắc vậy.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không sinh ra Đào Duy Từ, nhưng người
làm cho trí tuệ của Đào Duy Tử sinh sôi nẩy nở đến tột đỉnh lại chính là
Nguyễn Phúc Nguyên đó thôi.
Chú thích:
Câu 1: Mâu nhi vô dịch: chữ mâu mà không có dấu phẩy (ở bên nách)
là chữ dư, nghĩa là ta.
Câu 2: Mịch phi kiến tích: chữ mịch mà không có chữ kiến (ở phía
dưới) thì thành ra chữ bất, nghĩa là không.
Câu 3: Ái lạc tâm trường: chữ ái mà để rơi mất chữ tâm (ở giữa) thì
thành ra chữ thụ nghĩa là chịu hay nhận.
Câu 4: Lực lai tương địch: chữ lực nếu đem ghép với chữ lai thì thành
ra chữ sắc nghĩa là sắc phong, tờ sắc …v.v.
Tóm lại, đây là câu chơi chữ, ghép nghĩa của từng câu sau khi đã chú
thích, sẽ được câu hoàn toàn mới là ta không nhận sắc.