1744 – ND), ta lên ngôi vương, đại xá thiên hạ, cốt làm sáng thêm đức lớn
của tám đời (chỉ tám đời chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Khoát – ND), để
tỏ lòng thương dân khắp cõi. Mong sao thần dân, ai ai cũng được thấm
nhuần mĩ hóa”.
Từ đó trở đi, chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định: tất cả văn thư dâng lên
chúa đều phải dùng chữ tấu, văn kiện đối nội thì vẫn dùng niên hiệu của
vua Lê, nhưng tất cả công văn trao đổi với các nước bị xứ Đàng Trong coi
là phiên thuộc, chúa Nguyễn xưng là Thiên Vương.
Lời bàn
Trước đó, nước đã có vua Lê lại còn có thêm chúa Trịnh, thế là một lần
thừa, thế cuộc đẩy đưa, nước lại có thêm chúa Nguyễn nữa, vậy là hai lần
thừa. Trong một sự thừa, không có gì đáng sợ bằng việc thừa … chúa. Ôi,
tạo hóa trớ trêu, giá đấng cao xanh có con mắt tỏ tường, ban phép lạ cho
dân tình đói khổ thời ấy, có thừa … vài củ khoai có phải hơn không?
Đã ở ngôi chúa rồi thì xưng gì cũng vậy mà thôi. Chúa Nguyễn không
muốn kém chúa Trịnh về phẩm tước, đó là sự thường. Cũng có người nói
rằng, chúa Nguyễn xưng vương là có ý chia cắt đất nước một cách lâu dài.
Lời ấy, quả là có khiên cưỡng. Bấy giờ, đã có ai đáng mặt đại diện cho ý
chí thống nhất đâu? Vả chăng, phê phán chúa Nguyễn mà bỏ qua những
hành vi tương tự của vua Lê và của cả chúa Trịnh là điều không công bằng.
Đọc tờ chiếu đại xá của Nguyễn Phúc Khoát mà thương thay cho thân
phận dân đen thuở nào. Các đấng chăn dân sao mà khôn ngoan quá thể, khi
cần che lấp hành vi đáng chê cười của mình, chỉ cần nói: đó là ý dân!