tướng tá thấy vậy, không ai là không bực”.
Lời bàn
Chỗ này, sử cũ riêng trách Đặng Đình Quỳnh, e là chưa phải. Con rể của
Chúa đương quyền, ăn trắng mặc trơn là rất hợp lẽ, nếu không vậy thì lấy gì
mà phân biệt? Vả nữa, xem ra chư vị tướng quân của chúa Trịnh Doanh,
nào đã mấy ai có chút cơ mưu mà đòi Đặng Đình Quỳnh phải có cơ mưu?
Bắt con mèo đi cày âu cũng là điều chẳng nên vì thực tình là chẳng thể vậy.
Xin chớ trách chúa Trịnh Doanh và triều đình đương thời. Họ nương tay
xử phạt Đặng Đình Quỳnh như thế là phải lắm. Con rể của Chúa thì phải
khác con rể của thiên hạ. Phép nước đặt ra có phải để trừng trị những người
đại loại như Đặng Đình Quỳnh đâu?
Nhưng dẫu sao thì Đặng Đình Quỳnh cũng đã bị phạt. Thấy kẻ ăn trắng
mặc trơn cùng bồ đàn thê thiếp lủi thủi đi trong sử cũ, kẻ hậu học này cũng
không khỏi động lòng trắc ẩn, xoa dầu nóng cho cay cay ũi, rồi thốt lên
rằng: Buồn thay, Tổng binh Đặng Đình Quỳnh!