01. Gốc tích Lý Thái Tổ
Diễn đạt theo cách nói hiện nay thì vua đầu triều Lý là Lý Thái Tổ
(1010-1028) quả là người có lí lịch rất không rõ ràng. Sách Đại Việt sử kí
toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 1-a) có đoạn chép như sau:
“Thái Tổ hoàng đế họ Lý, húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc
Giang (nay là đất Tiên Sơn, Bắc Ninh), mẹ người họ Phạm, đi chơi chùa
Tiên Sơn (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), có thai với thần nhân, sinh ra vua
vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974)”
Nhưng, cũng sách trên, ngay cuối tờ lại có đoạn chép rằng:
“Vua sinh ra mới được ba tuổi, mẹ ngài bèn ẵm đến nhà Lý Khánh Văn.
Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi”.
Bởi mấy chữ ngắn ngủi này mà nhiều người cho rằng Lý Thái Tổ chính
là con của Lý Khánh Văn. Nhưng rồi đến tháng 2 năm Mậu Ngọ (1018),
nghĩa là tám năm sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lại cũng sách trên (tờ
8-a) cho biết, Lý Thái Tổ đã truy phong cho bà nội làm hậu và đặt tên
thụy
. Vậy thì thần nhân ở chùa Tiên Sơn và nhân vật Lý Khánh Văn ắt
chỉ là sự thêm thắt chút ít mà thôi.
Cha đẻ Lý Thái Tổ đích thực là ai, chuyện này xin tạm gác lại, chỉ biết
việc Lý Thái Tổ chào đời, cứ như sử cũ mà xét, thì đã có sự báo trước một
cách rất ngộ nghĩnh. Cũng sách đã dẫn ở trên (tờ 1-b) chép rằng: “Trước ở
viện Cảm Tuyển, chùa Ứng Thiên Tâm (châu Cổ Pháp) có con chó con mới
sinh, sắc trắng, lông có đốm đen, kết thành hình hai chữ Thiên tử. Kẻ thức
giả nói đó là điềm năm Tuất (năm con chó), đất ấy sẽ sinh ra thiên tử. Đến
nay, vua sinh năm Giáp Tuất, sau lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm”.
Lời bàn
Thiên tử nguyên nghĩa là con trời, nhưng con trời lại do người trần mắt
tục sinh ra. Thế là trong sự khác thường đã có sự thường. Thái Tổ như
người và cũng hơn người từ sự thường dễ hiểu ấy. Người đời ưa đặt điều
quái dị, để rồi rốt cuộc, chính mình lại tin vào điều quái dị đó. Lẽ đâu tạo