21. Lược truyện về Ỷ Lan
Ỷ Lan nghĩa là dựa vào cây lan, đó là hình ảnh hết sức độc đáo của cô
thôn nữ vùng Thổ Lỗi (Bắc Ninh) mà vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên bắt
gặp khi đi cầu tự ở vùng này.
Sử cũ chép rằng, bấy giờ, Vua xuân thu đã bốn chục nhưng chưa có vị
hàng tử nào, lòng lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Nghe tin
Vua đến, dân làng Thổ Lỗi nô nức ra đường đón xem, duy chỉ có cô thôn
nữ đặc biệt này lại ngồi dựa vào đám cỏ lan mà hát. Vua thấy lạ, liền đón
về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau sách phong dần lên đến Nguyên
phi (người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhà vua lấy ngay hình ảnh
của kỉ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho Nguyên phi, người đương
thời cũng như người bao thế kỉ qua nhân đó mà gọi là Ỷ Lan Nguyên phi.
Sự kiện này có lẽ xẩy ra trước hoặc sau năm 1063 chút ít.
Đến năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân
Tông, 1072-1127). Địa vị của Ỷ Lan trong hoàng tộc trở nên vững vàng.
Nhà vua vì đặc biệt yêu quý Ỷ Lan Nguyên phi mà vào năm 1068 đã cho
đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại
(nghĩa là vượt lên trên đồng loại).
Hoàng đế Lý Thánh Tông quả đúng là người có con mắt nhìn người rất
tinh tường. Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc
sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã giành cho vua
Lý Thánh Tông những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả có lẽ là sự kiện năm Kỉ
Dậu (1069). Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh
Chiêm Thành. Trước khi đi, Nhà vua vì tin cẩn mà trao quyền điều khiển
chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan Nguyên phi, nghĩa là gần như cho bà làm
vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân
về, nào ngờ dọc đường về, Nhà vua nghe quan lại và nhân dân ca ngợi rằng
nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói: “Nguyên phi là đàn
bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay