11. Bước đường cùng của Tổng Binh Thành Sơn Hầu Vương
Thông
Mùa đông năm Bính Ngọ (1426), quân Minh trên đất nước ta lâm vào
tình thế rất khốn quẫn. Để cứu nguy, tháng 10 năm đó, vua Minh liền sai
Thành sơn hầu là Vương Thông làm Tổng binh, cùng với bọn Tham tướng
Mã Anh, đem năm vạn quân và năm ngàn con ngựa, tiến thẳng sang Thăng
Long. Nhưng, vừa sang đến nơi, Vương Thông đã bị thất bại thảm hại trong
trận Tốt Động – Chúc Động. Vương Thông bị trọng thương, sau đó, cố thủ
trong thành Thăng Long và kêu cứu thảm thiết. Sách Đại Việt sử kí toàn thư
(bản kỉ, quyển 10, tờ 25 a-b) chép rằng:
“Vua (chỉ Lê Lợi – ND) thân đốc suất tướng sĩ vây đánh thành Đông
Quan (tức thành Thăng Long – ND) suốt cả ngày đêm. Bọn tướng nhà
Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào thua trận đó, lấy làm lo sợ
lắm. Thấy hết cả mưu hay chước lạ, viện binh thì không đến, chúng bèn
cho người mang thư tới xin hòa, mong được an toàn về nước. Vua nói: -Lời
ấy đúng với ý ta. Vả chăng, binh pháp nói là không đánh mà khuất phục
được đối thủ mới là kế hay nhất.
(Nói rồi), bèn bằng lòng cho giảng hòa, lại hẹn ngày cho gọi quân sĩ ở
khắp các thành tề tựu để kịp trở về một lúc. Vua sai bề tôi bàn với quân
Minh, cho chúng được phép đi lại, mua bán như dân thường.
Bấy giờ, bọn ngụy quan là Đô ti Trần Phong, Tham chính Lương Nhữ
Hốt, Đô chỉ huy Trần An Vinh… đã can tội bán nước làm tay sai cho giặc,
sợ rằng sau khi quân Minh rút về, chúng sẽ không còn sống sót, nên cố
ngấm ngầm làm kế phá hoại. Chúng nói với quân Minh rằng: -Trước kia, Ô
Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, phải đem quân về hàng. Hưng Đạo
Vương cũng cho hàng, nhưng lập mưu dùng thuyền lớn chở họ về nước,
xong, lấy người giỏi bơi lặn làm phu chèo thuyền. Thuyền ra đến ngoài
biển, nhân lúc mọi người ngủ say, đang đêm, bọn phu thuyền lặn xuống,
đục thủng đáy thuyền, làm cho những người đầu hàng đều bị chết đuối cả,
không một ai sống sót trở về.