VIỆT SỬ GIAI THOẠI - Trang 544

39. Người ở trên phép nước

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 11, tờ 85-b) chép:

“Con trai của Đại đô đốc Lê Khuyển, tên là Lê Quán Chi, đang đêm tụ

tập phá phách rồi đánh chết người ở giữa chợ. Việc bị phát giác, Quán Chi
bị tống giam vào ngục. Khi bị giam, Quán Chi cung khai tội lỗi, bị can liên
hệ đến hơn một chục người, trong đó có con cái của Nội quan và nhiều
quan chức khác, án xét sắp xong rồi nhưng Thái hậu thấy Khuyển cũng là
bậc đại thần, chỉ huy cấm binh, mà cấm binh là chỗ dựa tin cậy của Vua,
cho nên sợ rằng, nếu giết con trai của Khuyển, Khuyển sẽ đau lòng (khó tin
cậy được nữa). Bà liền làm trái phép nước, tha tội chết cho hắn, chỉ lấy tiền
bồi thường cho kẻ bị giết thôi.

Gián quan lúc ấy là Lê Lâm im lặng không dám hé miệng nói lời nào.

Trẻ con ở chợ nắm tay nhau hát rằng: Ta tiếc không được làm Đài quan
thôi!”.

Lời bàn

Chuyện này xảy ra vào tháng 11 năm 1449. Năm này, vua Lê Nhân Tông

mới được 8 tuổi, quyền hành trong nước thuộc về bà Thái hậu Nguyễn Thị
Anh. Thái hậu là ngôi tôn quý, nhưng dẫu tôn quý đến bao nhiêu thì ngôi
ấy cũng nằm trong phép nước mà thôi. Ở đây, Thái hậu đã tự đặt ngôi tôn
quý của mình ở trên phép nước. Người đương thời thì sợ mà không phục,
còn hậu thế thì chẳng sợ, chẳng phục, lại còn nghiêm phê.

Khi ở trên pháp nước thì dễ đạp lên phép nước. Việc Thái hậu tha chết

cho Lê Quán Chi chẳng khác gì việc Thái hậu thô bạo đạp chân lên phép
nước tôn nghiêm vậy.

Gián quan Lê Lâm lo giữ thân hơn lo giữ phép nước nên mới im lặng

không dám hé nửa lời, để trẻ con ngoài chợ hát chế giễu, nhục thay!

Hóa ra ở thời này, được làm và làm được việc quan, khác nhau xa lắm.

Xem kĩ mới biết, trong nhiều kẻ được làm nào đã có mấy kẻ làm được đâu.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.