có việc oan, lạm trong thiên hạ. Đầu tháng tư được mưa.
Tháng 9 năm sau lại mưa quá nhiều. Nhà vua lại thả tất cả tù ở phủ Đô
Hộ cũng do ý làm việc ân đức để tránh thiên tai cho nhân dân.
Tháng 10 năm thứ 3 hiệu Thiên Thuận (Canh Tuất 1130) sứ nhà Tống
sang phong vua Thần Tông làm Giao Chỉ Quận Vương. Hai năm sau sứ Tàu
lại sang gia phong cho Thần Tông làm Nam Bình Vương.
Tháng giêng năm thứ nhất hiệu Thiên Thuận (1128) ngày Giáp Dần
nước Chân Lạp (Cao Miên) đem 2 vạn binh vào cướp ở bộ Ba Đậu, châu
Nghệ An. Vua phái Nhập Nội Thái phó là Lý Công Bình đem tướng sĩ và
người Nghệ An đi đánh. Ngày Quí Hợi tháng hai, Lý Công Bình thắng trận
bắt được chủ súy và sĩ tốt Chân Lạp. Tháng ba Lý Công Bình đem quân về
kinh và dâng nộp 169 tù binh.
Tháng 8 cùng năm, người Chân Lạp lại vào cướp phá ở làng Đỗ Gia,
châu Nghệ An có hơn 700 chiến thuyền. Nguyễn Hà Viêm ở phủ Thanh
Hóa và Dương Ổ ở châu Nghệ An được lệnh đi đánh, Chân Lạp lại thua.
Tháng 3 năm thứ ba hiệu Thiên Thuận, Chiêm Thành cử Ung Ma, Ung
Câu đến xin nội phụ.
Tháng 8 năm thứ 5 hiệu Thiên Thuận (1132) Chân Lạp và Chiêm Thành
vào cướp châu Nghệ An. Thần Tông cho Dương Anh Nhị làm Thái úy đem
quân Thanh Nghệ đi tiểu trừ được đắc thắng.
Sau đó Chân Lạp và Chiêm Thành đều lại cống. Hai năm sau Chân Lạp
lại đến cướp châu Nghệ An. Lý Công Bình lại đánh dẹp được.
Vua Thần Tông ở ngôi được 10 năm thì qua đời thọ 23 tuổi.