Vua Thánh Tông xây tháp Bảo Thiên cao 12 tầng, tốn 12000 cân đồng
để đúc một chiếc chuông lớn (Hồng Chung).
Vua Nhân Tông lại xúc tiến phong trào Phật Giáo mạnh hơn nữa. Ngài
đã cho dựng riêng về phần Ngài hơn 100 ngôi chùa khắp trong nước, ở
những nơi danh lam thắng cảnh, và chia làm ba hạng đại, trung, tiểu. Ngài
cho đất ruộng tam bảo để nuôi sư, lấy hoa lợi cung ứng vào việc đèn nhang.
Ngài phong cho ông Khô Đầu là một vị cao tăng đời bấy giờ chức Quốc Sư.
Mỗi khi có việc quan hệ, Ngài thường lui tới để bàn hỏi.
Xem trên đây chúng ta cảm thấy hai nhà Đinh, Lê mới chỉ có nghiêng về
Thích Đạo, nhưng với Lý triều không khí Phật Giáo đã tràn ngập từ cung
điện ra tới dân dã. Rồi cái không khí thiền môn lan cả vào khu vực văn học
nữa.
Vua Nhân Tông đặt ra phép thi tam trường để kén những người minh
kinh, bác học. Những ai là nho sĩ đều phải nghiên cứu và đi sâu vào Phật
học trước khi bước ra hoạn lộ.
Năm 1070 vua Thánh Tông đã lập Văn Miếu ở thành Thăng Long (tức
Giám ở bên thành Hà Nội bây giờ) để thờ đức Khổng Tử và các tiên hiền,
vì nhà vua, ngoài Phật Giáo cũng rất tôn sùng Nho Giáo. Tất nhiên về thuở
đó, ai đã lo khai hóa dân trí đều phải mở mang, cổ động cho Nho Giáo là
căn bản của nền văn học bấy giờ. Phật Giáo và Nho Giáo dần dần đã chen
vai thích cánh với nhau. Lão Giáo cũng xuất hiện và giành phần ảnh hưởng
cho nên đến năm 1311 dưới trời việt Nam, Nho – Phật – Lão đã thành thế
“ba chân vạc” nhưng không có sự xung đột giữa các giáo thuyết này. Điều
kể trên đã được minh chứng cho chương trình khoa cử dưới đời vua Lý Anh
Tông. Ngay từ bấy giờ, người ta đã gọi là thi tam giáo, nghĩa là những nhân
tài của ba giới đều được bản triều trọng dụng ngang nhau (đến đời Lê
Thánh Tông thì Nho Giáo có ảnh hưởng nhiều hơn cả, và Phật, Lão dường
như đã đứng ngừng lại).